Đề nghị bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án cấp tỉnh

Trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 05 năm thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 trình bày tại Hội thảo ngày 14/12 đã đề xuất bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án cấp tỉnh.

Hội thảo do TANDTC phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 đã bộc lộ những bất cập

TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Báo cáo nghiên cứu được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Tổ chức TAND 2014. Tại báo cáo này, nhóm tập trung đi sâu nghiên cứu về các quy định hiện hành của luật này và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Tổ chức TAND trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay; Đưa ra những khuyến nghị để việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC

TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC

Trên cơ sở nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, tìm hiểu nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc nêu trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND như: Về tổ chức bộ máy của các Tòa án; Về chức năng, nhiệm vụ của các TAND; Về Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong TAND; Về Hội thẩm nhân dân...

Báo cáo nhận định: Luật Tổ chức TAND năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án, đảm bảo Tòa án thực sự là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành đã bộc lộ những bất cập của luật này, cụ thể như:

Về bộ máy tổ chức của Tòa án, Điều 21 quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo bồi dưỡng” mà không quy định TANDTC có các cơ quan báo chí và đơn vị sự nghiệp khác. Do đó, Nghị quyết 956 của UBTVQH phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC đã quy định Báo Công lý, Tạp Chí Tòa án là bộ máy giúp việc.

Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những bất cập về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, nhiệm vụ xét xử, công tác đào tạo Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.

Về Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong TAND, nhóm nghiên cứu thấy rằng, Luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán sơ cấp công tác tại TAND cấp tỉnh. Thực tế TANDTC cũng không phân bổ biên chế Thẩm phán sơ cấp công tác tại Tòa án cấp tỉnh. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chế độ chính sách, tiền lương đối với các Thẩm phán, cán bộ công chức Toa án còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ và các chức danh tư pháp khác; khó thu hút cán bộ gắn bó lâu dài với công việc.

Dồn áp lực lên Tòa cấp cao

Theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014, thì Tòa cấp tỉnh không còn thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện, mà thẩm quyền này được giao cho TAND cấp cao. Quy định này nhằm giảm đầu mối Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm; đồng thời tăng cường tính thống nhất và nâng cao chất lượng công tác này.

Tuy nhiên, Tòa án cấp tỉnh trực tiếp thực hiện việc kiểm tra nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tòa cấp huyện. Khi phát hiện có căn cứ cần phải kháng nghị, Tòa án cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền kiến nghị kháng nghị nên không đảm bảo kịp thời. Việc bỏ chức năng giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa cấp tỉnh cũng tạo áp lực về khối lượng công việc lên Tòa án cấp cao.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 37, Điều 39, Luật Tổ chức TAND theo hướng giao cho Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định về một số loại vụ việc của Tòa án cấp huyện có hiệu lực pháp luật; quy định cụ thể việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương bằng Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán theo quy định tại Điều 52, 53 Luật Tổ chức TAND 2014.

Cân nhắc bổ sung biên chế Thẩm phán nói chung và chỉ tiêu Thẩm phán sơ cấp, trung cấp nói riêng; quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán sơ cấp tại Tòa án cấp tỉnh theo hướng có thẩm quyền giải quyết một số loại việc cụ thể.

Góp ý dự thảo báo cáo, bà Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC cũng cho rằng, quy định bỏ chức năng giải quyết án giám đốc thẩm của Tòa án cấp tỉnh là không phù hợp, điều này không chỉ gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng, giàu kinh nghiệm, tạo thêm thủ tục hành chính mà còn tạo áp lực lên các TAND cấp cao.

Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (như: Khoản 6, Điều 68 Luật quy định: “Chưa là Thẩm phán trung cấp mà có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại khoản 5 Điều 68 của Luật thì có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp”) là không hợp lý. Bởi vì thẩm quyền xét xử của Thẩm phán cao cấp đều là các vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng nên nếu không có kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán trung cấp sẽ rất khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ; bên cạnh đó, Luật lại quy định thời gian 05 năm để nâng ngạch Thẩm phán là quá dài và khó xây dựng nguồn nhân sự trong thực tế,...

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho rằng, Luật Tổ chức TAND 2014 có nhiều điểm tích cực, xác định nhiệm vụ rõ ràng, giúp Tòa án thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Hiến pháp 2013. Đặc biệt, Luật quy định nhiệm vụ của TANDTC là cơ quan xét xử, tổng kết xét xử để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các chức danh khác; quản lý đối với hệ thống tòa án về tổ chức; lựa chọn và công bố án lệ…Luật cũng đã xác định các chức danh tư pháp một cách đầy đủ, trong đó Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án...

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã nảy sinh những hạn chế, bất cập cần phải có tổng kết và sửa đổi cho phù hợp với thực tế đặt ra.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng cho hay: "Báo cáo tổng kết là cách chúng ta nhìn nhận đánh giá lại luật mới ban hành. Qua 5 năm thực hiện, về cơ bản Luật Tổ chức Tòa án 2014 có nhiều đổi mới, hiệu quả, phù hợp với hội nhập và mô hình Tòa án các nước trên thế giới. Vị trí, vai trò hệ thống Tòa án đã được nâng lên so với trước đây. Qua 5 năm thi hành, chúng ta cần tổng kết, đánh giá những điểm tích cực và những bất cập, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp".

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-nghi-bo-sung-tham-quyen-giam-doc-tham-cua-toa-an-cap-tinh-176357.html