Đề nghị bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế

Chiều nay, 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình cho biết, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, từ đó đến nay đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm 2012, 2014 và 2016.

“Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên cũng có những hạn chế, bất cập nhất định. Qua rà soát có 108 điều quy định trong Luật hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Mặt khác có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như nguyên tắc quản lý, quyền hạn trách nhiệm của cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế… cần được bổ sung, sửa đổi.

Về điều tra thuế, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật (Luật tố tụng hình sự) không quy định cơ quan thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án. Mặt khác, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) cho thấy còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cơ quan quản lý thuế thực hiện quản lý thuế theo chức năng, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan quản lý thuế đã xác định số thu về thuế phải nộp cho nhà nước, phát hiện các trường hợp vi phạm, đồng thời đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra và xử lý. Vì vậy cơ chế này là phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện nay, không nhất thiết bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hóa các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, để nghị cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga

“Hiện tại dự thảo Luật đang thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất. Trường hợp Quốc hội quyết định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Chính phủ sẽ bổ sung 1 chương riêng để quy định nội dung này. Mặt khác, để chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cần thiết cho công tác điều tra thuế, trình Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 1-1-2022” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị không tiến hành thẩm tra nội dung này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hóa các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo tương đồng với cơ quan hải quan, đề nghị UBTVQH giao Chính phủ nghiên cứu, bổ sung 1 Chương riêng quy định về nội dung này để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2018.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình có thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho hay, việc có hay không có cơ quan điều tra thuế Quốc hội đã tranh luận rất nhiều từ cách đây 12 năm, cho đến giai đoạn cuối cùng Ủy ban Pháp luật và Quốc hội khi đó kiên quyết không đồng ý có cơ quan điều tra thuế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần thảo luận

“Hiện nay CQĐT về cơ bản bố trí theo đơn vị hành chính rồi, ở đâu cũng có CQĐT, chỉ có hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển do yêu cầu đặc thù địa bàn hoạt động vùng sâu vùng xa, hải đảo nên mới có cơ quan được giao một số hoạt động điều tra. Nếu tờ trình nói tránh hình sự hóa thì như thế này là hình sự hóa rồi còn gì…” – bà phân tích.

Chủ nhiệm UBTP nhận định, đây là hoạt động động đến quyền con người, quyền công dân, nếu giao cho loại cơ quan hành chính này tiến hành các hoạt động tư pháp thì không nên. “Nghị quyết về thu gọn đầu mối cơ quan điều tra nêu rõ trước mắt giữ nguyên, không nên mở rộng, do đó không nên đặt vấn đề này. Người người làm điều tra, nhà nhà làm điều tra ảnh hưởng rất lớn đến quyền công dân”, bà Nga nói.

Thống nhất với ý kiến của Chủ nhiệm UBTP, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng không nên quy định chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm vấn đề bổ sung chức năng điều tra. Nếu thấy cần thiết thì phải bổ sung thêm một chương trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện hồ sơ, có sự đánh giá tác động, hoàn chỉnh dự án luật đảm bảo yêu cầu. Sau khi UBTCNS thẩm tra chính thức, dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

An Quỳnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-bo-sung-chuc-nang-dieu-tra-cho-co-quan-thue-511425/