Đề nghị bổ sung chế tài xử phạt về vi phạm an toàn giao thông đường thủy

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hóa, nông sản, làm chết nhiều người.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong vụ chìm đò ở huyện Đại Lộc, ngày 25/2. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong vụ chìm đò ở huyện Đại Lộc, ngày 25/2. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Hồi 15h10’ ngày 25/2/2020, trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ lật thuyền gia dụng làm 6 người chết (trong đó có 4 người lớn và 2 trẻ em).

Theo thông tin ban đầu từ đại diện chính quyền và người dân địa phương, chiếc thuyền gia dụng chở theo 10 người (7 người lớn, 3 trẻ em) trú ở xã Đại Cường đi làm ruộng ở bãi bồi Mỹ Thuận khi về đến giữa sông gặp gió chướng cộng với việc chở quá nhiều người (thông thường chỉ chở tối đa 6 người) khiến cho thuyền bị lật. Ngay sau đó, người dân trên các phương tiện gần đó đã cứu nạn, vớt và cứu sống được 4 người và báo cho cơ quan chức năng của địa phương để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Sau đó, chính quyền địa phương đã huy động hơn 200 người gồm công an, dân quân và người dân đã nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc đã trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường. Đến 22h45’ cùng ngày, toàn bộ thi thể của 6 nạn nhân còn lại (gồm 2 nam, 4 nữ trong đó có 2 trẻ em) đã được tìm thấy.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Chủ tịch chuyên trách đã trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

Hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc đang tiến hành điều tra, xác minh để kết luận nguyên nhân vụ việc và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, với những thông tin ban đầu từ hiện trường vụ việc cho thấy chiếc thuyền được đưa vào hoạt động mà không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh cho người tham gia giao thông theo quy định lại khoản 3, Điều 24 và Điều 80 Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, việc chở quá nhiều người và gió mạnh, sóng lớn cũng là lý do dẫn đến xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hóa, nông sản, làm chết nhiều người, điển hình là: Trưa 20/9/2019, xảy ra vụ lật thuyền tự chèo do 6 em học sinh lớp 9 trường THCS Lý Thường Kiệt sử dụng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc địa phận thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, hậu quả làm 3 em học sinh tử vong.

Chiều 18/12/2019, xảy ra vụ lật thuyền gắn máy chở theo 7 người (có 3 trẻ em) trên sông Mai Giang thuộc phường Quỳnh Thiện, hậu quả làm 2 người bị tử vong.

Tối 6/1/2020, xảy ra vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý đoạn chảy qua tổ 3 phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, hậu quả làm 2 người trên thuyền tử vong. Sáng sớm 15/2/2020, trên sông La Ma thuộc địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người là 6 cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm, hậu quả làm 3 người chết.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thủy nêu trên chủ yếu bao gồm: Các phương tiện gia dụng đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông. Việc người dân đưa phương tiện thủy gia dụng vào hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ phục vụ đời sống hàng ngày. Hầu hết các phương tiện gia dụng không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định của Luật Đường thủy nội địa.

Hiệu lực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tư, an toàn giao thông đường thủy đối với việc sử dụng và tham gia giao thông bằng phương tiện gia dụng còn nhiều hạn chế. Đa số người dân khi tham gia giao thông đường thủy bằng phương tiện gia dụng đều chưa có ý thức về an toàn, không quan tâm đến việc sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh.

Chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện gia dụng không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoat động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy trên phương tiện gia dụng.

Đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện gia dụng gây ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó có hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông theo quy định tại Khoản 3, Điều 24 và Điều 80 Luật Giao thông đường thủy nội địa; Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và các hành vi vi phạm quy định pháp luật khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đường thủy đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông, trang bị đủ dụng cụ an toàn các phương tiện thủy thô sơ theo quy định (áo phao, dụng cụ nổi); cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông bằng phương tiện thủy gia dụng mà không có áo phao, dụng cụ cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về việc đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các cơ quan thành viên và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo Tổng kết cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; đánh giá kết quả, hiệu quả cũng như những tồn tại, hạn chế, đề xuất hình thức tổ chức tuyên truyền vận động xây dựng văn hóa giao thông đường thủy nội địa phù hợp với tình hình mới.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/an-ninh-trat-tu/de-nghi-bo-sung-che-tai-xu-phat-ve-vi-pham-an-toan-giao-thong-duong-thuy-20200227194821534.htm