Để nghề khai thác sá sùng phát triển bền vững

Chúng tôi có mặt tại bãi biển thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khi nắng chiều đã ngả. Trên bãi bồi nước rút Chương Xá là hình ảnh nhộn nhịp bởi những phụ nữ bắt đầu đào sá sùng trên cát.

Không biết nghề này có từ bao giờ, nhưng cứ đời này tiếp đời khác, người dân nơi đây bám lấy nước thủy triều để bắt sá sùng mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Đông Xá cho biết: "Việc đào sá sùng trên cát không tốn nhiều sức lực nhưng phải dầm mình dưới nắng. Ngày nào gặp may cũng kiếm được gần 1 triệu đồng...".

Người dân khai thác sá sùng tại bãi biển thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.

Người dân khai thác sá sùng tại bãi biển thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.

Huyện Vân Đồn hiện có 3 địa điểm khai thác nguồn lợi sá sùng tự nhiên: Bãi sá sùng xã Minh Châu (rộng 447ha), bãi sá sùng xã Quan Lạn (1.342ha), bãi sá sùng Chương Xá xã Đông Xá (khoảng 500ha). Đây cũng là khu vực có nguồn lợi sá sùng tự nhiên từ lâu đời, được người dân khai thác, bảo vệ, là kế sinh nhai của người dân Vân Đồn, Cửa Ông và Văn Châu (Cẩm Phả)...

Hiện tại, có hàng nghìn người dân đang sinh sống bằng nghề khai thác sá sùng và các loại thủy sản khác tại khu vực. Để nghề khai thác sá sùng phát triển bền vững, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, rà soát, quy hoạch vùng bảo tồn, nuôi trồng sá sùng nhằm bảo đảm sự phát triển đa dạng các nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, người dân khai thác cần tự bảo vệ nguồn lợi sá sùng bằng chính hành động của mình, tuyệt đối không được khai thác khi sá sùng vào mùa sinh sản; tổ chức giám sát cộng đồng, phát hiện, tố giác những hành động khai thác thủy sản bằng công cụ tận diệt...

Bài và ảnh: THANH HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/de-nghe-khai-thac-sa-sung-phat-trien-ben-vung-652826