Để ngành thép giảm bị kiện?

Ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách bị kiện là do phát triển quá nóng trong thời gian qua nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu. Xuất khẩu thép chủ yếu là các mặt hàng đơn giản và cạnh tranh về giá.

Gần đây, báo chí liên tục đưa tin ngành thép Việt Nam bị các nước khởi kiện chống bán phá giá. Việc bị kiện phần nào chứng tỏ ngành thép Việt Nam đã lớn mạnh, là đối thủ đáng quan tâm trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu để bị kiện quá nhiều, chứng tỏ các doanh nghiệp ngành thép chưa chủ động chuẩn bị đủ các biện pháp phòng vệ cần thiết.

Có thể nói, ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách bị kiện là do phát triển quá nóng trong thời gian qua nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu. Xuất khẩu thép chủ yếu là các mặt hàng đơn giản và cạnh tranh về giá.

Chỉ tính riêng từ ngày 16/7 - 9/8, các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục bị nhiều thị trường ngoại khởi kiện liên quan đến phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời, trong đó có 8 vụ việc liên quan đến 7 thị trường bao gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEC) và Ấn Độ.

Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, từ ngày 27/7 – 2/8, mặt hàng thép thép chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội của Việt Nam đã liên tiếp hai lần bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC)

Những diễn biến trên cho thấy các vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng thép Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa

Xét tổng quan, ngành thép Việt Nam thường bị cho là dính dáng nhiều đến việc lẩn tránh thuế, xuất khẩu các sản phẩm từ nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc...

Do vậy, để khắc phục, ngành thép Việt Nam phải hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần cố gắng khép kín sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm để loại trừ dần phần nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước, giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam là nơi "tiếp tay" cho doanh nghiệp các nước lẩn tránh thuế.

Số vụ kiện liên quan đến ngành thép gia tăng mạnh trong thời gian qua có phần do xu hướng bảo hộ thương mại được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Nhưng cũng phải thấy rằng, doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi; ký hợp đồng sơ sài và thiếu hiểu biết về pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu, dẫn đến dễ bị kiện. Đây là điều doanh nghiệp cần chủ động khắc phục.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao. Bởi, công nghệ tốt không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép. Điều này giúp thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế, đồng thời, hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.

Và nếu có đủ nguồn lực, doanh nghiệp sản xuất nên thiết lập một quy trình khép kín bởi vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát sát sao nhất toàn bộ quy trình sản xuất, nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa việc liên quan tới kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Một kinh nghiệm từ rất nhiều vụ việc liên quan đến kiện phòng vệ thương mại thời gian qua, thép Hòa Phát là đơn vị phòng tránh tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình. Điển hình như việc không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU, hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này.

Ngoài việc đối phó với những vụ kiện này, ngành thép Việt Nam cũng cần quan tâm đến tác động của thế giới để tránh các tác động tiêu cực, đảm bảo tăng trưởng doanh thu, cụ thể là việc Hoa Kỳ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào nước này, chủ yếu đánh vào thép của Trung Quốc. Lâu nay chính phủ Trung Quốc với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, xuyên suốt nên ngành thép nước này đã phát triển rất mạnh, chiếm 50% tổng lượng thép toàn thế giới.

Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cả đường trực tiếp hoặc thông qua một nước khác. Về việc chuyển xuất xứ Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất đi các nước khác, hay việc Trung Quốc di dời các nhà máy sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để sản xuất và bán hàng trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh để không phải lo lắng về việc bị áp mức thuế quan từ Hoa Kỳ.

Để hạn chế việc này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, nếu không ngành thép sẽ gặp khó khăn. Bằng chứng tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định cuối cùng đối với việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm thép Việt Nam với thuế suất rất cao, tương đương với thuế suất áp với thép Trung Quốc.

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/de-nganh-thep-giam-bi-kien-12415.html