Để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài nhà nước

Toàn tỉnh hiện có 1.105 công đoàn cơ sở (CĐCS) ngoài nhà nước, chiếm trên 50% tổng số CĐCS toàn tỉnh. Bên cạnh những CĐCS khu vực ngoài nhà nước phát huy được tốt vai trò, chức năng của mình thì ở một số doanh nghiệp, không ít công nhân than phiền quyền lợi của họ đôi khi chưa được quan tâm thỏa đáng, trong khi tiếng nói của công đoàn thì 'nhẹ' hơn chuyên môn.

Việc tuyên dương, khen thưởng các chủ tịch CĐCS tiêu biểu cũng là động lực giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong ảnh: Công đoàn ngành xây dựng tuyên dương các chủ tịch CĐCS tiêu biểu năm 2019.

Việc tuyên dương, khen thưởng các chủ tịch CĐCS tiêu biểu cũng là động lực giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong ảnh: Công đoàn ngành xây dựng tuyên dương các chủ tịch CĐCS tiêu biểu năm 2019.

Tiền làm thêm giờ không trả theo đúng quy định; không chi trả tiền phép; không ký hoặc ký hợp đồng lao động không đầy đủ trên tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp; tham gia BHXH, BHTN, BHYT không đầy đủ số người thuộc diện phải đóng; nợ đọng tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT... là những vi phạm thường thấy ở một số doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thế nhưng tất cả những vi phạm trên, phía CĐCS lại không thể tham gia ý kiến hoặc đứng ngoài cuộc. Bởi thực trạng tiếng nói công đoàn “nhẹ” hơn chuyên môn xảy ra ở rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, một số doanh nghiệp FDI, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị thiệt thòi.

Trong khi bản thỏa ước lao động tập thể là cẩm nang để các chủ tịch CĐCS căn cứ vào đó để bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng nhiều cán bộ công đoàn không quan tâm, kỹ năng xây dựng bản thỏa ước chưa cao. Thêm vào đó, công tác kiểm tra giám sát lao động của các cơ quan chức năng thì hạn chế, nên việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật nhiều khi còn bị “lờ” đi.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân là do công tác tổ chức, cán bộ, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong một số doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa chuyển kịp với biến đổi của tình hình đất nước, của địa phương và đòi hỏi của đoàn viên, CNVLĐ nên hoạt động còn kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn ăn lương của giới chủ nên còn e dè trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của CNLĐ. Ở một số doanh nghiệp, cán bộ công đoàn đồng thời là cán bộ doanh nghiệp nên còn hiện tượng xa rời CNLĐ.

Ông Nguyễn Đức Hoạt, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh, cũng thừa nhận rằng, nhiều cán bộ CĐCS năng lực, trình độ, kiến thức hiểu biết chính sách pháp luật, kỹ năng tổ chức công đoàn còn yếu, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng động, tinh thần đấu tranh vì người lao động; chưa quy tụ được người lao động trong tổ chức các phong trào. Còn người lao động cũng không mặn mà gia nhập tổ chức công đoàn; một bộ phận đông lao động chưa yên tâm gắn bó với công ty, vì thế khó có thể đào tạo, quy tụ vào tổ chức công đoàn.

Công đoàn Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị miền Đông ký kết thỏa ước lao động tập thể với lãnh đạo doanh nghiệp.

Chất lượng tham gia của Ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp vào việc xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế, các chính sách lương, thưởng, đãi ngộ, tái sản xuất sức lao động của công ty còn yếu. Các phong trào thi đua do công đoàn tổ chức, phát động hiệu quả thấp, chưa lôi cuốn, thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia. Công đoàn chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ với chuyên môn trong tổ chức chỉ đạo thi đua...

Triển khai chủ đề năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đối tượng ủy viên BCH CĐCS, tập trung vào các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bản thân cán bộ CĐCS cũng cần chủ động thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến CNLĐ tại doanh nghiệp; tham gia với doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Phong trào CĐCS cần gắn liền với các hoạt động kinh doanh của đơn vị, cùng chuyên môn tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp đảng ủy, công đoàn cấp trên đối với hoạt động CĐCS; đưa ra những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chế độ chính sách lao động, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ CĐCS hoạt động. Đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng các cán bộ CĐCS tiêu biểu, nhiệt tình để tạo động lực giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như bảo vệ người lao động.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cong-doan-co-so-tai-doanh-nghiep-ngoai-nha-nuoc-2472849/