Để nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để nâng cao chất lượng các DNNVV cần phải có nhiều giải pháp tiếp sức để DNNVV có nhiều điều kiện thuận lợi vươn lên hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực hơn nữa để phát triển vững chắc.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực hơn nữa để phát triển vững chắc.

Khó khăn bủa vây

Những năm gần đây, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có sự bứt phá và phát triển mạnh. Tuy nhiên thực tế hoạt động vẫn cho thấy các DN này tiếp tục bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, quy mô trung bình của DN dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt. Mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia, kết quả xuất khẩu của khu vực DN tư nhân cũng thấp hơn hẳn so với các khu vực khác; DN tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố, quy định bất lợi về điều kiện kinh doanh. Trong một số trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các DN FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DNNVV mặc dù hiện không gặp quá nhiều khó khăn như trước đây do các ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp tư nhân chưa được cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và khả năng kinh doanh còn yếu kém. Bên cạnh đó, các DNNVV vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị… Những điều đó đã tạo rào cản khiến DNNVV khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Cùng với đó, hiện nay, nền tảng KHCN của các DN còn ở mức tương đối thấp. Việc ứng dụng KHCN mới, công nghệ sạch vào sản xuất còn hạn chế, chưa chủ động thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Các DN cũng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn vào trong sản xuất. Phần lớn các DN khởi nghiệp thất bại, phá sản, ngừng hoạt động hay bị mua lại trong vòng 3 năm đầu hoạt động. Đây thực sự đang là thách thức không nhỏ đối với các DNNVV.

Cần thiết phải tiếp sức

Theo TS. Nguyễn Kim Hùng, Viện Khoa học quản trị DNNVV (VINASME), để nâng cao chất lượng các DNNVV cần phải có nhiều giải pháp tiếp sức để DNNVV có nhiều điều kiện thuận lợi vươn lên hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh việc thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành và các tổ chức kinh tế thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN. Việc thực thi luật này cần phải được giám sát và giải trình trước Quốc hội, đồng thời, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải là cơ quan giám sát cao nhất cho việc thực thi luật và phối hợp với Hiệp hội DNNVV để thúc đẩy việc thực thi luật.

Để hỗ trợ một cách thiết thực, ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (QBLTD) cho DNNVV. Nghị định này bao gồm những quy định rõ ràng về việc thành lập và tổ chức của QBLTD, tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng để các QBLTD hỗ trợ DNNVV. Đây là quỹ do UBND tỉnh, thành phố thành lập và được cấp vốn điều lệ từ ngân sách cấp tỉnh, tối thiểu 100 tỷ đồng. Nguyên tắc hoạt động của QBLTD là “tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn”.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều DN than phiền rằng rất khó xin được bảo lãnh từ QBLTD. Theo VINASME, Chính phủ nên thành lập QBLTD Trung ương, đặt tại Hà Nội và có các chi nhánh tại các tỉnh thành. Vốn điều lệ phải là vốn từ ngân sách quốc gia, có sự đóng góp từ ngân sách địa phương và số vốn tối thiểu là 3.000 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, tiếp cận và hấp thu vốn đang là vấn đề lớn của các DNNVV. Hiện nay với CNTT 4.0 nhiều hình thức cho vay ngang hàng (P2P) đã được triển khai tại nhiều quốc gia và ngay cả tại Việt Nam. Khác với cách cho vay và đi vay truyền thống thông qua ngân hàng là trung gian tài chính, P2P Lending là hình thức cho vay trực tiếp giữa các thành phần kinh tế, qua sự kết nối của một công ty CNTT.

Theo một thống kê mới nhất, tổng dư nợ P2P Lending tại Việt Nam hiện xấp xỉ 65.000 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cho đến nay đã có khoảng 40 công ty tại Việt Nam cho vay theo mô hình này, tuy nhiên phần lớn đều còn nhiều bất cập. Thời gian gần đây, người ta biết nhiều đến giải pháp VERIG Platform, một hệ sinh thái thông minh cho các DNNVV, do cộng đồng các DNNVV cùng chung tay xây dựng và là thành viên Hiệp hội DNNVV.

Hiện nay, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động cho vay ngang hàng. Trên cơ sở này, NHNN đã trình Chính phủ Đề án Sandbox để thử nghiệm mô hình P2P để từ đó đưa ra một dự thảo quy định mô hình hoạt động P2P Lending. TS. Nguyễn Kim Hùng đề xuất NHNN cho phép các công ty cung cấp giải pháp P2P Lending, trong đó có VERIG, được thí điểm theo mô hình Sandbox, nhân rộng và có kiểm soát. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các quy định về P2P Lending để tạo ra một hành lang pháp lý và các chuẩn mực cho các hoạt động P2P.

Hiện nay, ngoài 507,86 nghìn DNNVV còn có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo thống kê cho thấy, cứ trong 100% nguyên nhân dẫn đến giải thể hoặc ngừng hoạt động của DN thì chiếm đến 49% là do quản trị tài chính và vốn. Chủ các DNNVV nói chung và DN CNHT nói riêng chủ yếu đi lên từ nghề, không có nhiều kiến thức về quản trị DN đặc biệt là quản trị tài chính, dẫn tới việc lãng phí nguồn lực và kinh doanh không hiệu quả. Vì vậy nâng cao năng lực quản trị DN là rất quan trọng, TS. Nguyễn Kim Hùng nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Minh/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/de-nang-cao-chat-luong-doanh-nghiep-nho-va-vua-317187.html