Để năm 2022 chiến thắng dịch bệnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo 5 vấn đề lớn

Ngoài đánh giá cao những điểm sáng tích cực mà đất nước đạt được trong năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra các bất cập cần sớm giải quyết để chiến thắng dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội trong năm 2022.

Ngày 5/1, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 2021 là năm đầu tiên nước ta triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường do đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Chính)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Chính)

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”.

Cùng với nhấn mạnh thành quả ứng phó, kiềm chế dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Tổng Bí thư khẳng định phần lớn là do thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vaccine với tỷ lệ bao phủ 1 mũi vaccine là 99,6%; Tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới); Đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỷ lệ bao phủ tiêm 1 mũi là 85,6%, tiêm 2 mũi là 57% và sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi vào đầu năm 2022".

Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III là âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhưng sang quý IV đã đạt mức tăng 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4,61%) và cả năm ước tăng 2,58%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD.

Ở thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định; Mặt bằng lãi suất bình quân giảm; Dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố, tăng trên 10%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tương đương 34,4% GDP, tăng 1,2% so với năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục giữ được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD.

Các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Vấn đề thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả; Chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.

Các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là hoạt động ngoại giao vaccine.

Mặt khác, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây ra, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6%).

Thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; Không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí phải giải thể, phá sản.

Một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gẫy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng.

Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh

Với những tồn tại, bất cập đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra 5 nhóm vấn đề lớn trong việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

5 nhóm vấn đề lớn trong việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

1. Tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19.

2. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

3. Phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội.

4. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

5. Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề cấp bách đầu tiên được là cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp.

Cùng với đó, tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, nhanh chóng bao phủ cơ bản 2 mũi cho người được phép tiêm chủng vaccine. Bảo đảm đủ vaccine, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Song song đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội, Tổng Bí thư đặt ra nhiệm vụ không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đồng thời, vấn đề tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng luôn là những vấn đề lớn trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của đất nước trong mọi thời kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị.

Vấn đề cuối cùng mà Tổng Bí thư đề cập đến là tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đáp lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được mà phải khắc phục ngay, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém; Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của Chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo; Hành động quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; Kinh tế phục hồi và phát triển; Xã hội trật tự và kỷ cương; Chủ quyền quốc gia được giữ vững; Chính trị được ổn định; Nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc, trên tinh thần đoàn kết, liêm chính, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, hồi phục kinh tế - xã hội một cách bền vững”.

Bùi Hằng (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/de-nam-2022-chien-thang-dich-benh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chi-dao-5-van-de-lon-62895.html