Để một thế hệ lớn lên không rác

Tuần qua dư luận lại ồn ào quanh phim ngắn Chuyến đi của thanh xuân, quảng cáo giày Biti's Hunter. Trong clip, các nam thanh nữ tú đi chơi Đà Lạt, xoải chân in dấu giày lên bàn ghế, tường, những gốc thông... Từ việc 'check in' khẳng định mình của giới trẻ, những cái chân giơ quá cao, những dấu sơn nhem nhuốc phản cảm, như những cú đạp vào thiên nhiên và môi trường.

Clip gây bức xúc trong cộng đồng, đạo diễn nhanh chóng sửa kịch bản. Nhưng dù thế nào đi nữa, hiệu ứng của nhãn hàng cũng đã lan đi. Hình như có điều gì đó đã đạt được ở đây, khi thương hiệu Biti’s tự nhiên sáng bừng trên thị trường giày dép đầu năm học mới, trong cái mùa mà phụ huynh buộc phải ngó nghiêng mua sắm cho con em ít nhất một đôi giày.

Không bàn sâu về tác dụng hay phản tác dụng của clip quảng cáo nói trên, chỉ nhân đó lại tiếp tục nghĩ đến chuyện giới trẻ và rác.

Mới tuần trước đó, là chuyện công viên 500 tỉ ngập rác “sáng” trên mạng xã hội. Rồi mỗi năm Tết nhất, lễ hội, chuyện rác và bảo vệ môi trường lại được phơi bày. Lại thở than, lại giải pháp, rồi lại... đâu vào đấy.

Một người văn minh hiếm khi tự nhiên văn minh, nó phải là thành quả của môi trường sống, của giáo dục nhà trường và gia đình. Trên cung đường trekking Tà Năng- Phan Dũng, tôi bắt gặp hàng trăm thứ rác người ta bỏ lại: giày dép, chai lọ, lon bia, pin cũ, vỏ mì gói, vỏ bánh kẹo... Leo núi Bà Đen (Tây Ninh) cũng lại thấy rác ngập ngụa, đến mức người địa phương phải lập đội gom rác, tuần nào cũng cõng hàng chục bao tải nhựa, chai lọ, thức ăn xuống núi. Ở mọi danh thắng, trên vách đá, bờ tường đầy rẫy những dòng chữ khắc tên mình, tên người yêu, và cả những câu chửi đời kèm những vệt màu trây trét...

Những người trẻ thích check in (đánh dấu) nơi mình tới. Họ khỏe mạnh, vui vẻ, đầy tinh thần chinh phục thử thách, nhưng có một thứ dường như họ chưa chinh phục được, đó là ý thức “thứ gì không thể tiêu hủy hay mang xuống núi, thì đừng tha lên”. Khi mồ hôi ướt lưng, khi đôi chân trĩu nặng vì mỏi, họ sẽ vứt bất cứ thứ gì ra khỏi người mình, miễn là khỏe, nhẹ. Họ cũng không kìm nén nhu cầu “đánh dấu” của mình khi mà họ viết vẽ, bôi bẩn lên thiên nhiên.

Kìm nén một nhu cầu là rất khó. Nhất là đối với giới trẻ luôn dư thừa năng lượng. Người ta không hành động một cách tự nhiên nếu trong “từ điển ý thức” họ không tồn tại hành động ấy. Giống như trong một người thiện lương thì không tồn tại lừa lọc, trộm cắp, giết người…

Thử quan sát một đứa bé lớp Một ở cổng trường. Cháu xả xuống đất miếng nylon sau khi lột ra từ hộp sữa, dù thùng rác gần đó. Hình ảnh chẳng mới, không lạ phải không? Giáo viên hoặc phụ huynh đi qua trông thấy, có thể có hai ứng xử: (1) dừng lại nhặt lên và nhắc nhở đứa bé từ sau không làm thế, (2) dừng lại nhắc nhở và đề nghị đứa bé nhặt lên. Cách thứ 2 đương nhiên mất thời gian hơn, “tốn não” để nói lời phải quấy với đứa bé.

Nhưng buồn thay, nhiều ngày quan sát trước cổng trường tiểu học, mầm non, tôi thấy kiểu hành xử thứ 3 mới phổ biến: giáo viên hay phụ huynh nhìn thấy đứa bé xả rác nhưng nhìn mà không thấy, tiếp tục bước đi. Số ít nghiêm mặt nhìn đứa bé một hai giây, rồi cũng bước tiếp.

Hình ảnh những người lớn bước qua rác khiến tôi nghĩ tới thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của nhà sinh học Pavlov. Những người lớn chúng ta mất phản xạ với rác và hành vi xả rác bừa bãi mất rồi.

Buổi sáng, trên đường đi làm, bắt gặp những bà mẹ cho con uống hết sữa thì ném vỏ hộp kèm ống hút xuống đường, những nam thanh nữ tú uống xong trà sữa hay cà phê mang đi thì phóng vèo cái ly nhựa cùng lõng bõng nước đá vào lề đường. Việc vứt rác bừa bãi quen thuộc tới nỗi chẳng ai buồn cau mặt. Một phản xạ có điều kiện (làm lơ với rác) đã định hình.

Minh Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276725/de-mot-the-he-lon-len-khong-rac.html