Để một lần trọn nghĩa nhân sinh

'Anh chưa một lần gặp ba, vì ngày anh sinh ra, ba anh đang ở chiến trường, rồi sau đó hy sinh..'. Anh Lê Quốc Dũng (phường Đông Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) tâm sự với tôi như vậy trong một buổi chiều mùa Xuân, khi những hạt mưa còn đọng lại trên từng khóm lá.

Tôi gặp Lê Quốc Dũng trong một buổi chiều tập thể thao. Anh là huấn luyện viên câu lạc bộ thể hình nên thân thiện và gẫn gũi mọi người. Trong phút nghỉ giải lao, ảnh hỏi tôi:

-Em làm nghề gì?

-Dạ: Em bộ đội Hải quân anh ạ!

Thấy tôi nói mình là bộ đội Hải quân, bỗng gương mặt anh chùng xuống, một lúc sau anh cất giọng nói:

Di ảnh liệt sĩ Lê Văn Sự.

Di ảnh liệt sĩ Lê Văn Sự.

-Ba anh cũng là bộ đội Hải quân. Ông tên là Lê Văn Sự - Chính trị viên đại đội, từng công tác tại Đảo Vạn Hoa. Ba anh hy sinh tại chiến trường phía Nam, khi anh tròn một tuổi và đứa em trong bụng má mới được hai tháng… Ngày sinh em Lê Chí Cường má đã khóc rất nhiều, khóc vì thương những đứa con bé dại này sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy mặt ba và vắng đi tiếng gọi “Ba ơi!”. Nỗi buồn ấy cứ đè nặng lên đôi vai gầy guộc của má anh, một phụ nữ trẻ một nách hai con nhỏ thoát ly từ Hải Dương ra Hải Phòng sinh sống. Thời gian đằng đẵng qua đi, tính nết má cũng ngày một đổi khác; lúc thì đăm chiêu, lúc thì cáu gắt con cái một cách vô cớ; hai anh em nhiều lúc cũng chẳng hiểu hết má mình, thương má cảnh đơn côi hai anh em chỉ biết nhìn nhau lặng lẽ. Cứ như vậy, hằng ngày má cần mẫn trên chiếc xe đạp, sáng đến Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng làm công nhân, tối về bên đèn dầu dạy con học bài và ở vậy nuôi hai anh em lớn khôn đến lúc má về với ba (2013).

Tuy chưa một lần gặp ba, nhưng trong ký ức của hai anh em Lê Quốc Dũng và Lê Chí Cường luôn hiển hiện hình ảnh oai vệ của ba mình trong bộ quân phục Hải quân xanh màu nước biển, kèm theo khẩu súng ngắn đeo bên thắt lưng qua lời kể của các cậu; cảm nhận được tình cảm của ba dành cho má qua lời ru thủa nào và mỗi lúc má trầm tư nhìn ra phía biển.

Gia tài ba để lại, ngoài tấm bằng Tổ quốc ghi công, bức ảnh chân dung, cùng với những bức thư viết tay ố nhòe mực giấy pelure; đến hôm nay chỉ vẻn vẹn còn lại những thông tin về ba:“Thượng úy Lê Văn Sự, quê quán xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; chính trị viên đại đội của đơn vị Hải quân”; không rõ địa chỉ đơn vị, không rõ ngày giờ hy sinh…! Những bức thư ba viết ở chiến trường gửi cho má, được má xếp thành tệp ngay ngắn cất giữ trong thùng gạo. Tuổi thơ vụng dại, hai anh em đã lấy trộm của má, gấp thành những chiếc thuyền giấy thả trôi trên Sông Lấp và cắt dán thành những cánh diều thả lên trời cao để được nghe tiếng sáo diều du dương, như một lời thỉnh cầu bay vút lên không trung, gửi gắm vào đó một nỗi nhớ da diết, bất tận.

Mong muốn lớn nhất của Anh Lê Quốc Dũng là được biết rõ hơn lý lịch về ba mình, về đơn vị công tác, hy sinh như thế nào! Và điều nữa là được trở về quê hương, nơi ba sinh ra: xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để nhận họ và biết thêm về tuổi thơ của ba mình. Để một lần trọn nghĩa nhân sinh.

Từ tâm sự của anh Lê Quốc Dũng, rất mong các đơn vị, cựu chiến binh và nhân dân, ai biết thông tin về liệt sĩ Lê Văn Sự, xin báo cho anh Lê Quốc Dũng; địa chỉ: Số 19, ngõ 52 Phương Lưu, phường Đông Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng; điện thoại: 0788207352.

VĂN BẢY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thong-tin-liet-si/nhan-tim/de-mot-lan-tron-nghia-nhan-sinh-653732