ĐỂ MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH ĐI VÀO THỰC CHẤT

Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) hiện đang được giảng dạy ở các nhà trường từ bậc trung học phổ thông cho đến đại học.

Thực tế những năm qua, công tác GDQPAN cho học sinh, sinh viên (HS, SV) đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả tích cực. Môn học góp phần quan trọng nhằm trang bị cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, xác định rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác GDQPAN nói chung, cho HS, SV nói riêng.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luyện tập bắn súng.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luyện tập bắn súng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chất lượng dạy và học môn GDQPAN trong các nhà trường hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trước hết phải kể đến công tác đào tạo giáo viên GDQPAN triển khai còn chậm; chất lượng dạy và học môn học ở một số cơ sở giáo dục chưa cao, kỹ năng thực hành của HS, SV có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc triển khai xây dựng các trung tâm GDQPAN theo Quyết định 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa bảo đảm tiến độ. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng môn học của một bộ phận HS, SV còn biểu hiện xem nhẹ, coi đây là môn phụ. Chương trình giảng dạy môn học còn nặng về lý thuyết, thiếu các nội dung thực hành kỹ năng, còn mang tính lý luận, giáo điều, thiếu tính thực tiễn hoặc quá trừu tượng. Phương pháp giảng dạy thiếu sự đổi mới và còn rập khuôn, vẫn còn theo lối mòn cũ "thầy đọc-trò chép"… Chính vì những lý do trên đã làm cho môn học trở nên thiếu hấp dẫn, khô khan về nội dung, cứng nhắc về hình thức.

Để nâng cao chất lượng môn học GDQPAN trong các nhà trường hiện nay, trước hết đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên ở các cơ sở giáo dục phải chủ động định hướng nhận thức, tư tưởng cho HS, SV về ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học cũng như hun đúc lòng yêu nước, tự hào cho mỗi HS, SV về truyền thống dân tộc; tuyên truyền, giáo dục quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin của thế hệ trẻ vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cũng như kinh nghiệm, truyền thống, cách đánh, nghệ thuật quân sự, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam và vũ khí, trang bị hiện có. Để theo kịp sự phát triển thực tiễn, đáp ứng mục tiêu của môn học, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình GDQPAN cho HS, SV; cập nhật những quan điểm, tư duy mới về QPAN, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, được cụ thể hóa trong các nghị quyết, hệ thống các chiến lược quốc gia, chiến lược quốc phòng và các chuyên ngành; pháp luật về quốc phòng vừa được ban hành. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên môn GDQPAN phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm để chủ động gợi mở, dẫn dắt, định hướng, truyền cảm hứng, động cơ học tập đúng đắn cho HS, SV trong quá trình giảng dạy. Với mỗi HS, SV, phải thay đổi phương pháp học, chuyển từ thụ động tiếp thu kiến thức, kỹ năng sang chủ động nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ để trau dồi, tích lũy kiến thức, tự hình thành năng lực bản thân. Đồng thời, tích cực rèn luyện, xây dựng ý thức, trách nhiệm trong tự học, tự nghiên cứu và nâng cao các kỹ năng.

Các cơ sở giáo dục, nhất là các trung tâm GDQPAN cần quan tâm đầu tư đồng bộ, tiến tới chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các mặt bảo đảm khác, bảo đảm cho HS, SV thực sự được trải nghiệm môi trường quân sự. Việc thường xuyên kiểm tra, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố điển hình tiên tiến trong GDQPAN cũng như có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện cũng là một yêu cầu tất yếu để môn học bảo đảm thực chất và không chạy theo thành tích.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQPAN cho HS, SV cũng như nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

LÊ DUY HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-mon-hoc-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-di-vao-thuc-chat-598186