Để mỗi việc làm đều nhân văn, ý nghĩa

Bà Tú Cẩm là một người con miền Nam, chưa một lần có cơ hội được gặp Bác, vẫn dành hết sức mình chiến đấu giải phóng dân tộc theo con đường Bác Hồ đã chọn.

Bà Tú Cẩm trong buổi nói chuyện về Bác Hồ với học sinh

Bà Tú Cẩm trong buổi nói chuyện về Bác Hồ với học sinh

“Hồi còn ở trong lao tù, đâu có cuộc vận động, chương trình nào kêu gọi, hay buổi học nào là học tập tấm gương của Bác Hồ, nhưng tất cả việc làm, các cuộc đấu tranh thời đó đều nhất mực noi theo ý chí chiến đấu của Bác. Trong tâm tưởng mỗi người, Bác là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin để anh em bị tù đày có thêm tinh thần lạc quan chiếu đấu, vượt qua gian khó” - thời khốc liệt của những năm tháng tù đày nơi Côn Đảo lại như diễn ra trước mắt bà Lê Tú Cẩm (69 tuổi), cựu nữ tù chính trị Côn Đảo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM.

Thấm nhuần từng lời dạy của Người

19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, bà Tú Cẩm bị địch bắt giam. Bằng ý chí của người chiến sĩ cách mạng, bà tiếp tục đấu tranh trong tù và bị đày ra Côn Đảo. Ngỡ bao gian khó sẽ quật ngã người con gái tuổi đôi mươi ấy, nhưng không, cũng từ nơi địa ngục trần gian, bà và các chiến sĩ thời ấy lại sáng bừng ý chí đấu tranh. “Tất cả nhờ có Bác Hồ, vị cha già của dân tộc. Chúng tôi dù bị tù đày vẫn hăng hái đấu tranh. Đó là vì trong tâm mỗi người luôn có Bác. Từng lời dạy của Người soi đường cho chúng tôi bước tới”, bà Tú Cẩm cho biết.

Bà Tú Cẩm là một người con miền Nam, chưa một lần có cơ hội được gặp Bác, vẫn dành hết sức mình chiến đấu giải phóng dân tộc theo con đường Bác Hồ đã chọn. “Trong tù, chúng tôi nhớ đến những lời trong Tuyên ngôn độc lập, những lời chúc tết, những vần thơ của Bác. Và tập thơ Nhật ký trong tù trở thành lời dạy quý báu trong mỗi trái tim người chiến sĩ chúng tôi”, bà Tú Cẩm nhớ lại. Bởi không có điều kiện ngồi cùng nhau để học Bác, nhưng qua những câu chuyện kể, các nữ tù truyền miệng cho nhau những bài thơ, bài viết về Bác cũng như truyền đến nhau tinh thần lạc quan của Bác. “Chúng tôi sử dụng từng lời dạy của Bác trong tập thơ để làm vũ khí mỗi khi phải chiến đấu trong nhà lao đầy khắc nghiệt. Từ tinh thần của Bác, chúng tôi luôn nhắc nhở động viên nhau là phải giữ vững “tinh thần ở ngoài lao”, phải chiến đấu như khi chiến đấu ở các chiến trường bên ngoài và xác định đây cũng là một chiến trường. Mà ở chiến trường này, người chiến sĩ cách mạng không có một tấc sắt trong tay, chỉ có vũ khí tinh thần, đó là niềm tin tất thắng, đó là tinh thần lạc quan cách mạng, đó là lòng căm thù cao độ, đó là tinh thần đoàn kết đấu tranh”, bà Tú Cẩm nhớ rõ từng ý tứ của tập thơ.

Phải dành cả đời học Bác cách làm người

Trong suốt câu chuyện của mình, người nữ cựu tù chính trị Côn Đảo ấy luôn nhắc đến câu “Học Bác trước tiên phải học đạo đức làm người”. Bà bảo, Bác là cả biển trời mênh mông để học, nhưng cốt lõi Bác luôn dạy chúng ta phải lấy đạo đức làm nền. Lúc sinh thời Bác đã dạy, mỗi con người cần có: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm. Bác luôn đặt chữ nhân làm đầu dù trong thời chiến hay thời bình cũng thế. Với bà, để rèn đạo đức một cách nhân văn, con người cần rèn cả đời và học từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất trong cuộc sống hàng ngày mà ai cũng có thể làm được. Có làm được như vậy mới giáo dục được một thế hệ con người sau này sống có trách nhiệm và đầy tính nhân văn.

Niềm vui của người cựu nữ tù chính trị Côn Đảo ấy là nay dù đã lớn tuổi, không còn đứng lớp dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng qua những buổi nói chuyện chuyên đề về Bác với học sinh, sinh viên, bà hạnh phúc khi thấy lớp trẻ rất có ý thức học tập Bác. Những lần được gặp gỡ các em, bà Tú Cẩm luôn nói về những câu chuyện thực tế đời thường dễ nhất mà các em có thể noi theo. Thế nhưng bà cũng rất trăn trở làm sao để có thể phổ cập tư tưởng nhân văn, đạo đức làm người cho lớp trẻ hiện nay. Bởi theo bà, đây chính là điều cần thiết nhất: “Chỉ có đạo đức nhân văn mới có thể giúp thế hệ sau này không sống một cuộc đời vô cảm”.

Điều bà đang rất băn khoăn là thời gian qua, khi có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà thấy các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin nhờ học Bác mà người nghèo làm việc tốt, chú xe ôm, cô lao công làm việc nghĩa, sinh viên, học sinh, bác nông dân, những người có cấp bậc thấp trong bộ máy chính quyền thi đua học Bác,… Nhưng bà ít khi thấy có bài viết nêu gương một vị lãnh đạo một cơ quan, ban ngành học Bác ra sao. Theo bà Tú Cẩm, khi lãnh đạo noi gương học Bác thì cũng cần được tuyên dương để thế hệ trẻ nhìn đó noi theo.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/de-moi-viec-lam-deu-nhan-van-y-nghia-445720.html