Để mọi người đều có chốn an cư!

Đến bao giờ những người lao động làm việc lâu năm tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không phải cảnh thuê trọ triền miên? Đến bao giờ những công nhân làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp được tiếp cận nhiều với nhà ở xã hội để thực hiện khát vọng có chốn an cư? Đến bao giờ những người thu nhập thấp cũng được tiếp cận với nhà ở… Đây chính là những câu hỏi mà các cơ quan hoạch định chính sách đã và đang tìm lời giải.

Trả lời báo chí, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thống kê của các địa phương cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (từ 2011), đến nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng hơn 104.200 căn, tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Còn 264 dự án khác quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn đang được tiếp tục triển khai. Như vậy, kết quả đạt được chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến 2020, phải xây dựng xong 12,5 triệu m2). Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, khiến nguồn cung loại hình nhà ở này trên thị trường rất khan hiếm.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, để người lao động có chốn an cư cần phải tiến hành giảm tối đa chi phí đầu vào đối với các dự án, đồng thời xây dựng nhiều loại hình nhà ở hợp túi tiền của người dân (Ảnh Minh họa- PD)

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, để người lao động có chốn an cư cần phải tiến hành giảm tối đa chi phí đầu vào đối với các dự án, đồng thời xây dựng nhiều loại hình nhà ở hợp túi tiền của người dân (Ảnh Minh họa- PD)

Sở dĩ việc triển khai nhà ở xã hội bị chậm tiến độ, ngoài nguyên nhân một số địa phương thiếu quỹ đất sạch, phải kể đến hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cả các chủ đầu tư và người dân đều không thể tiếp cận được nguồn vốn nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo tính toán, đến 2020, nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, có nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Để gỡ vướng ách tắc này, Bộ Xây dựng đã và đang tập trung vào một số nhóm giải pháp. Với giải pháp thứ nhất là hoàn thiện chính sách, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Qua đó, đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội như: quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quy trình, thủ tục xét duyệt, mua bán nhà ở xã hội…

Dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật Nhà ở 2014. Vì vậy, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian tới. Trong đó, sẽ nghiên cứu mô hình phát triển nhà ở xã hội của Hàn Quốc để thực hiện chiến lược nhà ở của nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Thực ra theo quan điểm của người viết, gỡ nút thắt để thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội phát triển đúng theo kế hoạch đề ra chỉ là một trong những giải pháp giúp một bộ phận nhỏ người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhà ở, góc độ lớn hơn phải giải được bài toán giá bất động sản. Đúng như lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: “Điều quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường bất động sản phải ưu tiên phát triển nhà ở hợp túi tiền”!

Cần nhắc lại một lần nữa, ở những nước có nền kinh tế phát triển, đang phát triển hệ số lương của công chức, viên chức, người lao động với giá cả là một thể thống nhất. Ví dụ, ở Singapore hay Malaysia, một người đi làm, đến kỳ lĩnh lương tháng, họ chỉ được nhận khoảng 75-85% số tiền lương dùng cho việc chi tiêu, còn lại 15-25% tiền lương sẽ tự động “chảy” vào ngân hàng. Người lao động sẽ dùng số tiền đó hoặc là mua xe, hoặc mua nhà…tùy thuộc vào nhu cầu. Lương, thu nhập của họ không chỉ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, mà vẫn có để tích lũy dùng cho các công việc quan trọng khác. Song ở ta, mặc dù lương của đại bộ phận công chức, viên chức không cao (số người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp thu nhập từ 30 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng một tháng chưa nhều) thì giá bất động sản lại quá cao. Đã cao còn tăng theo năm. Mỗi mét vuông nhà thu nhập thấp giá cũng từ 12 triệu trở lên, nhà thương mại, giá một mét vuông cũng từ 22 - 50 triệu đồng... Để có căn hộ khoảng 60 m2, người mua cũng phải bỏ tiền tỷ… Không chỉ đất thành thị, giờ đây đất nông thôn cũng tăng cao chóng mặt. Đây chính là nghịch lý rất lớn mà bao năm qua chúng ta chưa thể giải quyết được.

Vì vậy, mấu chốt bênh cạnh chính sách phát triển thị trường nhà ở xã hội, để người lao động có điều kiện tiếp cận với nhà ở, Nhà nước cần tiếp tục siết chặt các loại chi phí “bôi trơn” giúp doanh nghiệp khi tiến hành triển khai dự án, giá đầu vào được khống chế một cách tối đa, nhờ đó làm cho giá nhà không bị đẩy lên quá cao. Cạnh đó, Nhà nước phải có cơ chế “định hình”, “hướng dẫn” thị trường để phát triển nhiều loại hình nhà ở, với các loại giá cả, diện tích khác nhau. Đồng thời, tiến hành thanh, kiểm tra thật chặt giá bán (giá đầu ra) để tránh hiện tượng thổi giá quá cao so với quy định. Khi đó, người dân nói chung, người lao động nói riêng có quyền lựa chọn dựa trên thu nhập và túi tiền của mình để mua nhà.

L.H

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-moi-nguoi-deu-co-chon-an-cu-122978.html