Để mía đường phát triển bền vững

Thị trường mía đường trong nước đã có những tín hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp phòng vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu. So với thời điểm cuối năm 2020, giá đường sản xuất trong nước đã tăng trên 1.500 đồng/kg; giá mía nguyên liệu cũng nhích lên gần 1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, ngành mía đường muốn phát triển bền vững còn rất nhiều việc phải làm.

Còn nhớ, ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực (ngày 17-5-2020), thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Lập tức, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn, khiến sản lượng đường sản xuất trong nước bị tụt xuống dưới 900 nghìn tấn.

Đứng trước những khó khăn lao đao của ngành mía đường, ngày 9-2-2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô. Quyết định này đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường của Việt Nam ở thị trường nội địa.

Quyết định trên cùng với những tín hiệu tích cực từ nhu cầu đường thế giới liên tục tăng thời gian qua đang giúp ngành mía đường có cơ hội vực dậy, đặc biệt là giúp người trồng mía yên tâm tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng mía, từ đó từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu để sản xuất.

Với năng lực sản xuất trung bình hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường, nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến khoảng hơn 2 triệu tấn/năm, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới. Theo các chuyên gia, mía đường vẫn được xác định là ngành hàng chiến lược, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân và đóng góp nguồn ngân sách lớn cho đất nước.

Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn chưa hết khó khăn khi phòng vệ thương mại chỉ được coi là “tấm khiên chắn” hỗ trợ phần nào chứ không thể vực dậy được cả ngành mía đường trong giai đoạn khó khăn. Bởi, ngay trong tháng 1-2021, đường nhập khẩu vẫn ở mức cao (113 nghìn tấn), do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 16-2-2021.

Cùng với đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường đang gây áp lực lớn lên ngành mía đường nội địa. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây cạnh tranh không lành mạnh và lũng đoạn giá đường trong nước; đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo ngại chính là ngành mía đường áp dụng nhiều khoa học công nghệ nhưng đi vào thực chất ít. Việt Nam đã có giống tốt, cho năng suất cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến nhưng người nông dân hiện chưa coi trồng mía là nghề chính vì thiếu niềm tin khi nhiều nhà máy đường thua lỗ, phá sản trong thời gian qua.

Thế nên, giải pháp lâu dài của ngành mía đường là không chỉ làm mía, làm đường mà từ đường làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa khác được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người trồng mía. Ngoài hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật thì dự báo thị trường cũng rất quan trọng, nhằm thúc đẩy các thị trường xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ một nghị định về cơ giới hóa nông nghiệp. Đây sẽ là một hành lang pháp lý rất quan trọng để chúng ta gây dựng những cánh đồng mía rộng lớn, năng suất cao, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng công nghệ thu hoạch, chế biến sâu tiên tiến.

Sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và sự ủng hộ của người tiêu dùng chính là chìa khóa để ngành mía đường phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-mia-duong-phat-trien-ben-vung-post438682.html