Dế Mèn phiêu lưu kí và bài học đường đời đầu tiên

Ba tôi là bộ đội. Đơn vị ba đóng quân dọc các tỉnh miền Trung. Từ hồi còn bé xíu, tôi được ba truyền cho niềm đam mê đọc sách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hình ảnh còn đọng mãi trong kí ức tuổi thơ tôi là mỗi lần về phép, ba lại mua cho tôi vài cuốn sách, để rồi sau đó, đêm đêm trong chiếc giường của bốn mẹ con tôi là bóng đèn chập chờn và bóng mẹ cầm sách đọc đến say mê. Và có lẽ vậy, tôi biết đọc và thích đọc sách từ sớm. Những cuốn sách trở thành niềm yêu thích duy nhất của tôi trong suốt tháng ngày tuổi thơ.

Từ hồi lớp hai, lớp ba, tôi đã là khách quen của hiệu sách o Mai đầu thị trấn. Chẳng phải vì tôi đến đó để mua sách mà đến để… đọc ké. O cũng chẳng nỡ đuổi mà còn khuyến khích tôi, ngược lại tôi giúp o sắp xếp lại các kệ sách cho thật đẹp, thật trang trọng, gọn gàng. Hồi ấy, sách dành cho thiếu nhi còn hiếm nên tôi đọc tất tần tật những gì tiệm sách có. Đó là những cuốn sách in bằng thứ giấy đen xỉn, nhám, chữ đôi khi còn nhòe đọc mờ cả mắt. Vậy mà tôi và chúng bạn lại đọc đến say mê. Sau đó, tôi lại tìm mọi cách để đổi sách cho lũ bạn cùng lớp, nhiều khi chỉ từ quả táo, quả ổi vườn nhà…

Và trong số những cuốn sách ngày ấy, tôi nhớ nhất là cuốn Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Đó là cuốn sách đẹp, quý, đặc biệt nhất mà tôi có. Nó đặc biệt vì đó là món quà của ba tôi gửi về từ Đà Nẵng nhân dịp sinh nhật 10 tuổi. Đặc biệt bởi nó chẳng giống bất kì cuốn sách nào tôi có. Nó đẹp! Giấy in trắng tinh, những hình vẽ đẹp và ngộ nghĩnh, bìa cứng...

Tác phẩm gồm 10 chương, kể về cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu, muôn vẻ của những loài vật nhỏ bé. Nhưng đó không chỉ là chuyện về thế giới loài vật mà còn là vấn đề nóng hổi của cuộc sống: Cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.

Câu chuyện trong sách thật giản dị, kể về quá trình trưởng thành từ thể xác đến suy nghĩ của chú Dế Mèn qua những sai lầm trong cuộc sống và cuộc phiêu lưu đầy sắc màu. Từ chú Dế bé con, Mèn càng lớn càng khỏe mạnh và đẹp đẽ. Cu cậu lấy điều đó làm kiêu ngạo, không xem ai ra gì. Mèn cà khịa người lớn, chê bai người nhỏ, và lấy nó làm tự hào."Những gã xốc nổi thường làm cử chỉ ngông cuồng là tài cao". Cho đến một lần, Mèn nổi hứng trêu chọc chị Cốc khiến Dế Choắt bị chị mổ đến chết để hả giận. Cái chết của Dế Choắt chính là bài học đau đớn và sâu sắc nhất cuộc đời Dế Mèn, khiến Mèn phải ân hận mãi về sau.

Sau lần đó, Dế Mèn trưởng thành hẳn, biết suy nghĩ nhiều hơn, bớt đi cái tính kiêu ngạo và bắt đầu có ý nghĩ đi đó đây để mở rộng tầm mắt."Thật có đi, có trải, còn như ro ró cái thân sớm chiều ngơ ngẩn góc bãi cửa hang thì sao hiểu được trời đất, bến bờ là đâu". Rồi trời cũng không phụ lòng khi cu cậu có được người anh em tri kỉ là Dế Trũi.

Dế Mèn và Dế Trũi. Họ cùng nhau lên đường, san sẻ những niềm vui, hạnh phúc cũng như hoạn nạn và đau buồn trên chặng đường phiêu lưu đầy màu sắc. Họ cùng thề sống chết có nhau, cùng nhau băng qua những gian khó của cuộc đời, hưởng thụ mật ngọt của cuộc sống, sẵn sàng hi sinh cho nhau.

Tất cả, tất cả điều đó làm tôi ngưỡng mộ và xúc động vô cùng. Cuộc sống của con người cũng là những chuyến phiêu lưu, cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có vấp ngã, đớn đau, hạnh phúc ngập tràn. Ai cũng có bạn, bạn nào cũng có thể sẻ chia, chuyện này một tí, chuyện kia một chút, nhưng liệu được bao nhiêu người tìm được cho mình một tri kỉ, đủ để sẻ chia toàn bộ cuộc sống, hiểu nhau chỉ qua một ánh nhìn.

Gấp sách lại mà thấy lòng nhẹ bẫng, thấy trước mắt mình một xanh biêng biếc của đồng cỏ, bên tai lại nghe văng vẳng tiếng dế ca, nghe sao mà mát lòng quá. Tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện trong cuốn sách nhỏ, về sự trưởng thành của Dế Mèn, tình anh em của Mèn và Trũi, hơn hết là những triết lí thật thản nhiên nhưng vô cùng sâu sắc của Dế Mèn, cũng là của tác giả. Nó cứ khiến tôi đắm mình vào đấy, suy nghĩ vẩn vơ rồi mỉm cười một mình, thú vị lắm, thú vị vô cùng.

Tô Hoài chắc hẳn đã tốn không ít công sức tìm hiểu về thế giới côn trùng nhỏ bé, lấy cái thực, hiểu biết chính xác về đời sống và bản chất của từng con vật làm nền tảng chứ không phải là sự tưởng tượng vu vơ. Tài năng của Tô Hoài còn thể hiện ở khả năng nắm bắt và mô tả đời sống tâm lí của lứa tuổi thiếu nhi và cả thanh niên. Ông đã "vẽ" nên một thế giới với muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên. Nhưng đặc biệt nhất là cuốn sách đưa tôi phiêu lưu vào thế giới kì diệu, thế giới ấy dạy cho tôi biết về tình yêu thương, sự nhường nhịn, tình bạn... Tôi giữ nó như báu vật, tôi xem đi xem lại không biết chán.

Bây giờ, tôi đã trở thành một cô giáo dạy văn. Ba tôi cũng đã nghỉ hưu. Những cuốn sách ba mua về cho chị em tôi cho đến những cuốn tôi đã có hồi nhỏ được ba trân trọng xếp ngay ngắn trong một chiếc tủ kính. Mỗi lần, có dịp trở về ngôi nhà thân yêu ấy, tôi lại lặng mình đứng bên tủ sách, có thể chẳng phải để đọc, cũng có thể chẳng phải để ngắm (bởi vì tất cả đã mặc định trong kí ức tôi từ thuở còn thơ dại) mà đôi khi để hoài niệm về những tháng ngày xa…

Ngày ba tôi còn trong quân ngũ, ngày cây táo vườn nhà chín trĩu cành, ngày tôi và lũ bạn tranh giành nhau một cuốn sách… Đó là ngày tôi nhận ra, sách dẫn tôi đến với những yêu thương, khát vọng, ước mơ đẹp đẽ thấm nhuần giá trị nhân văn… Để rồi giờ đây, những cuốn sách ấy lại đến với các con tôi, đến với học trò của tôi như ngày xưa tôi từng chạm đến…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-men-phieu-luu-ki-va-bai-hoc-duong-doi-dau-tien-20200708142052634.html