Để mất di sản văn hóa là có tội với cha ông

Ông Đặng Văn Thương (thôn 2, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019, với thành tích nắm giữ, thực hành và truyền dạy lĩnh vực di sản: Lễ nghi, kiêng kỵ, hội làng, thủ tục tang ma, cưới xin, các bài thuốc nam, truyền dạy chữ Nôm Dao và nhảy cấp sắc dân tộc Dao. Chẳng những là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao Thanh Y của địa phương, Nghệ nhân Đặng Văn Thương còn là 'báu vật nhân văn sống' lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa của dân tộc; là một trong số 26 người được tuyên dương tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3.

Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Đặng Văn Thương.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Văn Thương.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Văn Thương.

- Thưa nghệ nhân, do đâu mà ông lại có thể nắm giữ được nhiều loại hình di sản của dân tộc Dao Thanh Y đến vậy?

+ Tôi sinh ra và lớn lên cùng những câu ca, điệu hát của người Dao Thanh Y. Cha tôi là thầy cúng có tiếng trong vùng. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mình cho đi theo cúng nhiều nơi. Năm 14 tuổi, tôi đã được cha truyền lại cho rất nhiều bài cúng, những phong tục lễ nghi, kiêng kỵ trong hội làng, thủ tục tang ma, cấp sắc, cưới xin, tục cúng cơm mới tạ ơn trời đất, cúng Bàn Vương (một nhân vật huyền thoại được tôn xưng là thủy tổ của người Dao - PV). Nhờ cha và các lão nghệ nhân chỉ dạy mà tôi đã biết được rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của người Dao Thanh Y, như: Múa cầu mùa, múa rồng, múa gà, múa hát giao duyên, múa chiêu binh, nhảy cấp sắc...

- Đó là câu chuyện trong quá khứ, còn bây giờ thì sao, thưa ông?

+ Bây giờ, các làn điệu hát, múa truyền thống của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí từng có lúc tôi sợ bị thất truyền. Đến nay, số lượng người biết còn rất ít. Vì vậy, tôi mong muốn giữ lại vốn quý, nên đã cùng những bậc cao niên trong làng tập hợp các thành viên biết hát, múa lập câu lạc bộ hát, múa cổ truyền của người Dao Thanh Y, nhằm gìn giữ vốn nghệ thuật của cha ông mình cho thế hệ mai sau.

- Nhưng muốn bảo tồn, thì mỗi điệu múa, câu hát như ông vừa nói phải có không gian để thể hiện thì mới phát huy được chứ, thưa ông?

+ Có chứ, đó là hội làng. Lễ hội tạo cơ hội cho chúng tôi ca hát. Bằng Cả quê tôi năm nào cũng tổ chức hội làng. Đó là dịp các làn điệu dân ca, dân vũ, các tri thức dân gian của người Dao Thanh Y chúng tôi được thể hiện một cách tập trung nhất, đặc biệt là các điệu múa. Mỗi một làn điệu lại có những nét đặc sắc riêng. Ví dụ như hát, múa cầu mùa, nhất định phải có từ 4 đến 8 người (nam, nữ thành cặp), mặc trang phục của người Dao Thanh Y chúng tôi, vừa hát vừa múa theo điệu trống và chiêng hoặc xập xòe (một loại nhạc cụ làm bằng kim loại mỏng khi gõ vào nhau phát ra tiếng kêu).

Là người biết nhiều chữ Nôm nên ông Thương luôn được bà con người Dao cử làm chủ lễ trong các hội làng.

Hội làng Bằng Cả năm nào tôi cũng được bà con tín nhiệm chọn là chủ lễ thực hiện các nghi thức tâm linh. Theo đúng phong tục của người Dao Thanh Y, hội làng có nhiều nghi lễ, quy định rất nghiêm ngặt và phức tạp. Tuy nhiên, để xây dựng nếp sống mới, chúng tôi đã thực hiện các quy định của hội làng xưa theo hướng lược bỏ bớt, giản tiện hơn nhiều. Vì vậy, hội làng Bằng Cả đều được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ với các hoạt động chính như lễ cầu an, cầu mùa, chương trình văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, nhưng vẫn đảm bảo được tính chất vui tươi, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao Thanh Y.

- Được biết, không chỉ biểu diễn mà ông còn cất công sưu tầm nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác nữa của dân tộc mình?

+ Đúng vậy. Tôi đã sưu tầm được hàng chục cuốn sách cổ về các bài cúng, hàng trăm bài ca dao, tục ngữ, bài hát của người Dao. Đó là kho tri thức dân gian quý giá và rất quan trọng với người Dao Thanh Y chúng tôi. Người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả trước kia dùng chữ Nôm trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, ghi gia phả, ghi lịch, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc, văn tự bán ruộng nương, nhận con nuôi... Chữ Nôm còn được dùng phổ biến trong lễ cấp sắc, tết nhảy, tục treo tranh lễ tơ hồng, lễ cúng chữa bệnh, cầu mùa, làm nhà, đặt mộ, làm chay, sang cát. Muốn làm được lễ, người làm thầy cúng như tôi phải đọc thông, viết thạo chữ Nôm. Tôi học chữ từ nhỏ, nhưng sau này vẫn phải thường xuyên luyện viết chữ để đỡ quên.

Những cuốn sách chữ Nôm là kho tàng kiến thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của người Dao Thanh Y, giải thích các hiện tượng tự nhiên như nắng, mưa, sấm sét, giông bão; ghi chép gia phả từng dòng tộc của người Dao. Sách còn kể lại lịch sử người Dao khai hoang lập đất, lập làng, răn dạy, bảo ban con cháu cách đối nhân xử thế, làm nương phát rẫy, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần của người Dao Thanh Y chúng tôi.

Ông Thương tham gia trình diễn trang phục đám cưới của người Dao Thanh Y phục vụ hoạt động du lịch.

- Ngoài việc miệt mài với sưu tầm, truyền dạy văn nghệ dân gian, ông còn hăng hái trong công tác xã hội, nhiều năm liền được bà con tín nhiệm bầu là trưởng thôn. Vậy điều gì đã giúp ông xây dựng được uy tín trong bản làng?

+ Tôi luôn nghĩ mình đã là người được bà con tín nhiệm thì công việc của bà con cũng như việc của nhà mình. Bà con không hiểu pháp luật, làm sai chủ trương của Đảng cũng là trách nhiệm của mình. Vì vậy, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bản sắc của dân tộc thì phải giữ, nhưng những gì đã lạc hậu, gây tốn kém, lãng phí thì nên bỏ.

Để vận động bà con trong các thôn xóm người Dao Thanh Y xóa bỏ các phong tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, hòa giải các vấn đề tranh chấp đất đai trong thôn, làng, tôi luôn dành thời gian đi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền. Tôi đã vận động bà con bỏ tục thách cưới bằng trâu, bò, lợn, bạc trắng và thực hiện cưới hỏi tiết kiệm. Nhờ thế, nhiều đôi trẻ người Dao Thanh Y trong xã đã nên vợ, nên chồng, sống rất hạnh phúc mà không mang nợ nần vì cưới hỏi rình rang. Bây giờ tuy không còn là trưởng thôn nữa, nhưng tôi vẫn còn được bà con tín nhiệm, coi như già làng trong thôn, trong xã.

Ông Đặng Văn Thương (ngoài cùng, bên phải) đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam.

- Còn chuyện làm ăn kinh tế thì sao, thưa ông?

+ Lúc còn là trưởng thôn, tôi phải tiên phong làm các mô hình kinh tế mới để bà con học theo. Khoảng dăm năm về trước, gia đình tôi và 2 hộ khác của xã được hỗ trợ giống thanh long ruột đỏ để phát triển kinh tế, nhưng đến nay chỉ có vườn thanh long của gia đình tôi cho trái to, đạt tiêu chuẩn. Gia đình chúng tôi có hơn 100 gốc thanh long được chăm bón cẩn thận, theo hướng hữu cơ, không lệ thuộc vào các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Anh biết rồi đấy, với loại cây nào cũng thế, nếu dùng phân hóa học thì cây sẽ cho quả nhiều hơn, to hơn, năng suất hơn, nhưng tôi vẫn dặn các con cháu hạn chế được chút nào hay chút ấy. Vì thế, vườn thanh long nhà tôi chủ yếu dùng phân hữu cơ tự ủ, mặc dù cho ra quả ít, không to, nhưng về độ ngọt sắc thì chẳng thua kém bất cứ vườn nào.

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201911/nghe-nhan-uu-tu-dang-van-thuong-de-mat-di-san-van-hoa-la-co-toi-voi-cha-ong-2459628/