Để lực lượng dự bị động viên luôn sẵn sàng

Thực hiện đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) theo hướng toàn diện, góp phần bảo đảm sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

Đặc biệt, từ khi Pháp lệnh về lực lượng DBĐV được ban hành, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực nghiên cứu, tổ chức quán triệt và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến mọi đối tượng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, thiết thực, tạo bước chuyển biến mới quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Vì thế số lượng, chất lượng đơn vị DBĐV đã đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng lực lượng DBĐV vẫn bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng DBĐV còn hạn chế. Việc quán triệt và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các yêu cầu, nội dung của Pháp lệnh về lực lượng DBĐV tới các đối tượng chưa đầy đủ nên một số bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV như quy định của pháp lệnh... Mặt khác, nhiều quân nhân dự bị không có việc làm ổn định ở địa phương, phải làm ăn xa nơi cư trú, nên việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về lực lượng DBĐV còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

“Ngụ binh ư nông” là chính sách được các triều đình thời Đinh, Lý, Trần, Lê… áp dụng nhằm xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo, trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì và khi có chiến tranh có thể huy động quân nhanh chóng. Vì thế, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV trong tình hình mới là việc làm có ý nghĩa quốc phòng, an ninh và kinh tế cao, vừa nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, vừa tạo điều kiện, môi trường hòa bình, ổn định để toàn dân tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước. Để xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, được huấn luyện và quản lý tốt, bảo đảm khi cần thiết có thể động viên được nhanh chóng theo kế hoạch, trước hết, các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở cần tiếp tục quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng lực lượng DBĐV. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tạo nguồn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý nguồn DBĐV (gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân). Cùng với chú trọng tổ chức biên chế đủ và đúng chuyên nghiệp quân sự, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị DBĐV, các địa phương cũng phải phát huy vai trò của mình trong công tác giao nguồn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn tiến hành sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đúng nguyên tắc, đúng tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự theo quy định. Việc nâng cao chất lượng huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện sát với tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa bàn, địa phương, cơ sở cũng là một yêu cầu khách quan đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị DBĐV. Nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác nắm nguồn, xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng DBĐV, Đảng và Nhà nước cần có những cơ chế, chế độ chính sách đối với lực lượng DBĐV cho phù hợp với tình hình mới. Có như vậy, mỗi quân nhân dự bị mới luôn yên tâm, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương cũng như sẵn sàng động viên khi có chiến tranh xảy ra.

LÊ DUY HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-luc-luong-du-bi-dong-vien-luon-san-sang-581642