Để lỡ thời gian tiêm chủng, bệnh tật sẽ khôn lường!

Nhiều cha mẹ dù con đã quá thời hạn tiêm chủng những vẫn có tâm lý chờ tiêm dịch vụ, nhất quyết không cho con tiêm chủng mở rộng, đã để lỡ thời gian phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Thức từ 1h sáng chen lấn để mong có một suất tiêm chủng dịch vụ cho con là chuyện diễn ra tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2019. Nhiều cha mẹ dù con đã quá thời hạn tiêm chủng những vẫn có tâm lý chờ tiêm dịch vụ, nhất quyết không cho con tiêm chủng mở rộng, đã để lỡ thời gian phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Thêm vào đó, một bộ phận cha mẹ lại có tâm lý “bài xích” vaccine, muốn “thuận theo tự nhiên” đã khiến trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, dịch bệnh tấn công gây ra hậu quả đáng tiếc. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới vào đầu năm 2019, e ngại, từ chối tiêm chủng là 1 trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Cha mẹ chờ vaccine dịch vụ, con mắc bệnh

Hình ảnh chen lấn, hỗn loạn trước cửa Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cách đây chưa lâu đã cho thấy một thực tế, nhiều bậc phụ huynh ngần ngại cho con tiêm chủng mở rộng vì lo sợ biến chứng, nên dù phải thức đêm, chen lấn họ vẫn muốn tiêm dịch vụ. Trong số đó, có nhiều phụ huynh chờ mũi tiêm dịch vụ đã vài tháng nay, khiến con họ qua “thời gian vàng” để tiêm chủng các mũi: Sởi, lao, ho gà, viêm màng não do Hib… Dù chen lấn suốt đêm cũng không kiếm được một suất tiêm thì họ cũng vẫn đợi lần sau, nhất quyết không tiêm chủng mở rộng ở Trạm Y tế địa phương.

Thiếu vaccine dịch vụ không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác, trong khi nhu cầu tiêm mũi dịch vụ lại rất cao. Tâm lý lo ngại biến chứng sau tiêm chủng mở rộng khiến nhiều đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả khi không được tiêm phòng đầy đủ mà cha mẹ lại quên rằng, trẻ cần tiêm chủng các mũi vaccine cơ bản ngay trong các tháng đầu đời để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, lao, bại liệt, ho gà, bạch hầu, sởi…

Điển hình dịch sởi bùng phát vào cuối năm 2018 và lây lan mạnh những tháng đầu năm 2019, hơn 90% người mắc đều không tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Có nhiều bà mẹ khi con bị sởi biến chứng vào phổi mà chúng tôi gặp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã vô cùng hối hận chỉ vì “chờ mũi tiêm dịch vụ” mà bỏ qua tiêm phòng cho con lúc 9 tháng tuổi.

Bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vaccine sởi ở nước ta là vào các năm 2013 -2014. Dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc, hơn 100 trẻ tử vong, trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Về lo lắng biến chứng sau tiêm chủng của một bộ phận người dân, theo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đạt được nhiều thành quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Vaccine là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất được trải qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, quá trình thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng và tính an toàn nghiêm ngặt trước được cấp phép lưu hành. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các lô vaccine được kiểm định và chỉ những lô đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng.

Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng của Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là kiểm tra giám sát bảo quản và vận chuyển vaccine ở tất cả các tuyến, đáp ứng yêu cầu của tiêm chủng mở rộng, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã, huyện về khám sàng lọc và xử trí cấp cứu sốc phản vệ tại điểm tiêm chủng, xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ sức khỏe của cho và cho cộng đồng.

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ sức khỏe của cho và cho cộng đồng.

Bỏ qua tiêm chủng, dịch bệnh sẽ quay trở lại

Bộ Y tế đang triển khai “Tuần lễ tiêm chủng 2019”, một lần nữa kêu gọi người dân hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và nhấn mạnh về sự cần thiết cũng hiệu quả phòng bệnh của tiêm chủng đối với sức khỏe con người.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc từ chối tiêm chủng là hiện tượng được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. So với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm thì số người từ chối là thiểu số, song ảnh hưởng của hiện tượng này đến cộng đồng là không nhỏ bởi nó gây ra những hiểu nhầm về tiêm chủng.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của loài người để cứu sống nhân loại trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Hơn 100 năm kể từ khi ra đời, vaccine đã chứng minh được hiệu quả cực kỳ to lớn trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nếu không tiêm chủng hàng rào miễn dịch bị phá vỡ.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống theo tự nhiên” hay không.

Những đứa trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Tiêm chủng không đầy đủ hay bài xích tiêm chủng khiến những dịch bệnh đã khống chế, loại trừ sẽ quay trở lại.

Theo TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ được triển khai trên diện rộng, vaccine mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả.

Trong cộng đồng tỷ lệ đạt tiêm chủng cao trên 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra.

Ông Trương Quốc Cường kều gọi các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc những vaccine chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhiều bác sĩ bày tỏ lo lắng, nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả không chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt vào nguy cơ bệnh quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Virus bại liệt gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm; trẻ mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong; bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm 50%... Nếu tỷ lệ tiêm vaccine này giảm xuống, nguy cơ hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.

* Dự kiến trong tháng 5 tới đây, Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm thí điểm một loại vaccine “5 trong 1” mới vào trong chương tình tiêm chủng mở rộng quốc gia trên quy mô nhỏ. Vaccine mới này có thành phần kháng nguyên tương tự vaccine ComBe Five. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine 5 trong 1 mới này cũng phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vaccine mới này được sản xuất ở Ấn Độ, đã đạt tính an toàn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Sau khi triển khai, Bộ Y tế sẽ đánh giá và triển khai đại trà vào cuối năm 2019.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/de-lo-thoi-gian-tiem-chung-benh-tat-se-khon-luong-542008/