Để lễ hội diễn ra văn minh, an toàn

Tối mồng 2 Tết Canh Tý, thông tin từ trang mạng của chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) về chương trình tụng kinh 'hóa giải nạn dịch vi-rút corona' đã khiến dư luận bất bình. Dù sau đó sự việc được chấn chỉnh, nhưng công chúng vẫn không khỏi băn khoăn, lo ngại có thể sẽ xuất hiện các biến tướng mê tín dị đoan trong thực hành tín ngưỡng tại các điểm thờ tự, đền, chùa,… khi mùa lễ hội chính thức bắt đầu.

Tối mồng 2 Tết Canh Tý, thông tin từ trang mạng của chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) về chương trình tụng kinh “hóa giải nạn dịch vi-rút corona” đã khiến dư luận bất bình. Dù sau đó sự việc được chấn chỉnh, nhưng công chúng vẫn không khỏi băn khoăn, lo ngại có thể sẽ xuất hiện các biến tướng mê tín dị đoan trong thực hành tín ngưỡng tại các điểm thờ tự, đền, chùa,… khi mùa lễ hội chính thức bắt đầu.

Mùa xuân, đến với các không gian thờ tự linh thiêng, tham gia các lễ hội đầu năm vốn là nét đẹp văn hóa cổ truyền lâu đời của người Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người lợi dụng niềm tin tâm linh để trục lợi,… đã tạo ra hệ lụy xấu, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng chặt chém, chèo kéo, ảnh hưởng tới sự an toàn cho du khách ở lễ hội vẫn diễn ra. Rồi những hành vi đi ngược với việc thực hành đức tin như thu tiền của phật tử để làm lễ cúng vong, dâng sao giải hạn, cướp phết, cướp lộc dẫn đến bạo lực cũng không còn là hiện tượng hiếm. Bên cạnh đó, nạn phá hoại cảnh quan môi trường, xả rác bừa bãi, các biến tướng của tệ nạn cờ bạc,… cũng diễn ra tại một số lễ hội. Với không ít người dân, lễ hội đầu năm đã trở thành nỗi ám ảnh hơn là hưởng niềm vui thanh lành, vì những biểu hiện phản cảm, xấu xí, thiếu văn minh như vậy.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, của ngành văn hóa ở nhiều địa phương. Thậm chí có nơi, lễ hội được “xã hội hóa”, mạnh ai nấy làm, chỉ nhằm thu lợi cho một nhóm người mà quên đi quyền được hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh của nhân dân. Để chấn chỉnh sự biến tướng của lễ hội, ngày 29-8-2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, nguyên tắc tổ chức cũng như trách nhiệm của đơn vị tổ chức, quyền và nghĩa vụ của người tham gia lễ hội được xác định rõ ràng, cụ thể. Sau một năm thực hiện nghị định, nhiều địa phương đã có những thay đổi rõ rệt trong tổ chức lễ hội theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta hiện có khoảng hơn 8.000 lễ hội truyền thống. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội và thời gian tổ chức thường tập trung vào các tháng đầu năm. Đây là con số rất lớn, đặt ra câu hỏi: Chúng ta quản lý, tổ chức lễ hội như thế nào để vừa phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có, vừa phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập?

Thiết nghĩ, ngành văn hóa cùng các địa phương tổ chức lễ hội, nơi có trách nhiệm quản lý các điểm thờ tự, đền, chùa tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm, chủ động phối hợp trong tổ chức, quản lý, thanh tra và kiểm tra suốt mùa lễ hội, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực. Đồng thời kiên quyết không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, lôi kéo để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

VŨ QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43072902-de-le-hoi-dien-ra-van-minh-an-toan.html