Để lao động nữ tại các KCN nâng cao điều kiện sống

Phần nhiều công nhân lao động tại KCN Thăng Long Hà Nội là lao động ngoại tỉnh. Họ thuê nhà trọ ở các thôn như: Bầu Đông, Bầu Tây, Hậu Dưỡng, Cổ Điển (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Do cuộc sống của người công nhân gắn liền với 'ca kíp', vì vậy, hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu bạn bè – nhất là việc tìm bạn đời của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nữ công nhân trở nên khó khăn.

“Hàng ngày, hàng tuần chúng em đi làm theo ca kíp. Bọn em thèm một bữa ăn cơm có đầy đủ người thân trong gia đình như hồi chưa xuống đây làm thôi!”, Nguyễn Thị H (quê Mộc Châu – Sơn La), công nhân Panasonic chia sẻ. Huyền làm cho Cty này đã được gần 10 năm. Hàng năm, H chỉ về thăm quê được đôi lần (gồm Tết Nguyên Đán và dịp nghỉ lễ dài), vì mỗi tháng chỉ có 4 ngày nghỉ. H cho biết thêm, đời công nhân ít thời gian lắm! Ngày làm 10 -12 tiếng. Có hôm làm kíp lên tận 14 tiếng đồng hồ. Về nhà mệt nhoài chỉ buồn ngủ.

Thay vì những tháng ngày ăn cơm bụi triền miên, nhóm công nhân nữ: Vân, Hiền, Dương, Hoài lại tranh thủ đi chợ về tự nấu ăn cho sạch sẽ. Bữa ăn của nhóm Vân thường có đậu rán, rau muống luộc, chút lạc rang đậm muối và một nồi thịt. Hiền cho biết: “Cuộc sống công nhân khá vất vả! Lương bổng luôn phải chạy theo giá cả sinh hoạt liên tục tăng cao. Chúng em tháng làm 26 - 28 ngày (kể cả làm ca kíp) cũng chỉ đủ lo cho sinh hoạt của bản thân và tích lũy được một chút để gửi về hỗ trợ gia đình. Bữa ăn phải tằn tiện lắm chúng em mới dành dụm được chút để gửi về cho gia đình lo cho các em học hành… Nhiều công nhân bị guồng quay công việc “choán” hết thời gian dành cho chuyện riêng tư nên nhiều người có nguy cơ bị “ế chồng”…”

Một khu nhà ở mới, khang trang cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long. (Ảnh: T.Liên)

Một khu nhà ở mới, khang trang cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long. (Ảnh: T.Liên)

Gần 12g trưa, tại xóm trọ của công nhân tại KCN Nội Bài, Thăng Long, Quang Minh, Hoài thở dài cho biết: “Đời công nhân “ngắn” lắm. Suốt ngày làm bạn với công việc, với ca kíp nên tuổi thanh xuân trôi đi lúc nào không hay.

Nhiều lúc chợt nghĩ: Mình mong có một người bạn trai hiền lành đến phòng để trò chuyện cho đỡ buồn cũng không có. Phòng có 4 chị em (đều ngót 30) cả rồi nhưng tất cả đều “vườn không nhà trống” – chưa ai có người yêu! Cứ sau giờ tan ca, chị em phân công nhau đi chợ mua thức ăn rồi về tập trung nấu nướng. Ăn xong ngồi tán gẫu giết thời gian, buồn ngủ thì đi ngủ một mạch đến sáng rồi lại bắt đầu một ngày làm việc mới”.

Hoài nhấn mạnh: “Không chỉ riêng gì bọn em, mà hiện có hàng trăm, có khi cả hàng ngàn công nhân nữ ở KCN này mong có một người bạn trai hoặc người yêu để tâm sự trong những lúc buồn vui…”.

Thu nhập của người công nhân vốn chưa được cao, nay lại phải đương đầu với giá cả sinh hoạt tăng cao nên họ càng phải vất vả. Nhung (quê Bắc Giang), công nhân Cty ToTo tâm sự: “Khó khăn, vất vả đến mấy em cũng chịu được, chứ nỗi cô đơn, trống trải thì em không thể. 26 tuổi rồi mà chưa có người con trai nào thực sự yêu và tiến đến hôn nhân, em dự định làm hết năm nay về quê lấy chồng rồi kiếm một việc gì gần nhà để làm”.

Được biết, hiện KCN Thăng Long có tới hơn nửa công nhân là nữ. Có nhiều chị em làm công nhân ở đây 4 - 5 năm mà vẫn chưa tìm được “mảnh tình vắt vai”. Hễ nói về chuyện “lập gia đình” thì không ít chị em công nhân rơi lệ! Vì vậy, các tổ chức công đoàn các Cty cần quan tâm, tạo ra các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên nhằm xích mọi người lại gần với nhau hơn. Có như vậy, những người nữ công nhân ở KCN này mới có cơ hội gặp gỡ, kết bạn để rồi tìm cho mình người bạn đời.

Thời gian qua đời sống của người công nhân tại các KCN đã được quan tâm kịp thời hơn trước. Nhiều sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở, thiết chế văn hóa trong các KCN để công nhân cải thiện điều kiện sống, bảo đảm sức khỏe, ổn định sinh hoạt đã được thực hiện. Đây được xem là những bước đi tích cực nhất để bảo đảm đời sống của những công nhân tại các KCN.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-lao-dong-nu-tai-cac-kcn-nang-cao-dieu-kien-song-137824.html