Để làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế

Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, hội nhập quốc tế là những yếu tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đây là khẳng định của ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại Tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế” vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11. Việt Nam được mệnh danh là đất nước của làng nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam. Với trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân Việt Nam đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Mặc dù vậy, các làng nghề vẫn đang đối mặt với 2 khó khăn lớn trong bối cảnh mới hiện nay. Các sản phẩm làng nghề hiện nay vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ cũng như chưa có một cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm bao tiêu các sản phẩm truyền thống làng nghề. Song song với đó là bài toán về ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn chưa có phương hướng giải quyết.

Với trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những di sản văn hóa Việt Nam

Với trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những di sản văn hóa Việt Nam

Sở dĩ những sản phẩm của làng nghề truyền thống chưa tìm được đầu ra một phần là do có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt Nam truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Mặt khác, hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng tầm.

Cần có những hội chợ, triển lãm uy tín tập trung vào từng ngành nghề để có thể phân loại nhu cầu khách hàng và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng sản phẩm

Nhận thấy những khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề, ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam mong muốn: Hiệp hội làng nghề cần đi sâu hơn vào công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các nghệ nhân và sản phẩm tinh hoa làng nghề để những giá trị làng nghề được mọi người biết đến ngày càng sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, có những hội chợ, triển lãm uy tín tập trung vào từng ngành nghề để có thể phân loại nhu cầu khách hàng và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng sản phẩm. Đồng thời, củng cố và phát triển sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề truyền thống ở các vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Đại diện các làng nghề đã thống nhất ký kết các điểm du lịch kết nối giữa các làng nghề, nghệ nhân

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện các làng nghề đã thống nhất ký kết các điểm du lịch kết nối giữa các làng nghề, nghệ nhân tại Hà Nội, Hải Phòng, Sapa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Huế… nhằm mục tiêu giúp phát triển du lịch làng nghề đem lại lợi nhuận kinh tế và gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên đất nước trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-lang-nghe-truyen-thong-hoi-nhap-quoc-te-128706.html