Để lại cho đời sau

2 trong số nhiều cuốn sách đã xuất bản của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban.

2 trong số nhiều cuốn sách đã xuất bản của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban.

Cứ mỗi năm, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban lại gặp tôi ở Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Khánh Hòa, tặng một cuốn sách. Đó không phải là những cuốn sách chỉ in cho vui, mà là những công trình nghiên cứu vô cùng đồ sộ. Sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa, điều bất ngờ hơn là dẫu năm nay đã 78 tuổi (ông sinh năm 1942) nhưng ông vẫn thường xuyên phóng chiếc xe máy của mình từ Võ Cạnh (địa danh từ Nha Trang đi Diên Khánh) ghé Hội VHNT uống cà phê và tặng sách anh em. Ở cái tuổi 78 ấy, ông vẫn nghiên cứu và những tác phẩm nghiên cứu của ông như cuốn “Địa danh Khánh Hòa” do NXB Đà Nẵng ấn hành gần 1.200 trang. Và riêng về Khánh Hòa, ông còn có cuốn “Lịch sử văn hóa Khánh Hòa” dày 600 trang; “Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương” (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2016) cũng 400 trang. Và không phải chỉ nghiên cứu về Khánh Hòa, ông còn viết về các tỉnh khác với công việc nghiên cứu, thu thập tư liệu cực kỳ công phu như: “Chợ ở Khánh Hòa; Người Việt qua ca dao tục ngữ; Cái ăn của Người Việt qua Ca Dao tục ngữ; Quảng Ngãi- những địa danh ghi dấu; Bình Định- Những địa danh ghi dấu; Người Quảng Nam- Đà Nẵng cười qua ca dao tục ngữ địa phương”... Từ năm 2008 đến nay, sau khi nghỉ hưu nghề dạy học vào năm 2004, ông đã xuất bản 11 đầu sách in riêng và 18 đầu sách in chung về nghiên cứu văn hóa dân gian.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, khóa Phan Châu Trinh (1967 - 1970), ban Việt-Hán, Ngô Văn Ban từng dạy các trường THPT ở Ninh Hòa, Diên Khánh, rồi Hà Huy Tập (Nha Trang), trải qua nhiều chức vụ quản lý giáo dục. Năm 1998, ông được phong Nhà giáo Ưu tú và nhận rất nhiều giải thưởng, những giải thưởng vô cùng xứng đáng với ông, khi mà ở cái tuổi chỉ để hưởng nhàn.

Nhà của ông không có gì ngoài sách và tài liệu nghiên cứu chép tay, ghi âm. Tủ sách của ông có thể nói là hiếm có. Như cách đây khá lâu, khi ghé nhà ông, nói chuyện về nhà văn Võ Hồng, tôi khá bất ngờ khi ông có đủ sách của nhà văn, cả tư liệu từ các bài báo. Sự tìm kiếm, phân loại và dày công để tạo ra những cuốn sách như ông quả thật là đáng trân trọng.

Trở lại với những đề tài về Khánh Hòa, ông đi khắp nơi, gặp mọi người. Ông đến các thư viện, tìm những tài liệu quý, ông đến các miền đất còn những người lớn tuổi, ghi chép lại câu chuyện, Và gọi ông là nhà Khánh Hòa học thật là xứng đáng. Bởi ông kể chuyện từng cái chợ, từng làng nghề, từng con đường, từng địa danh và cả những tập tục cưới hỏi. Cuốn “Địa danh Khánh Hòa” có thể nói là một cuốn sách vô cùng dày công của ông. Nó giống như một cuốn địa chí, một cuốn sử địa phương với từng chi tiết về Khánh Hòa từ ngày hình thành, các địa danh riêng, chợ búa, điểm du lịch... Cuốn sách trở thành cẩm nang cho bất cứ ai tìm hiểu về miền đất Khánh Hòa.

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban bằng chính sự đam mê và sự tận tụy với nghề, đã để lại cho mai sau những công trình nghiên cứu còn mãi với thời gian.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_234743_de-lai-cho-doi-sau.aspx