Để khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm cần đảm bảo lương của giáo viên...

Chia sẻ với báo Thế giới và Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Ban Đào tạo - Đại học Thái Nguyên cho rằng, để khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm, cần đảm bảo lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Danh Nam cho rằng để khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm, cần đảm bảo mức lương cho giáo viên. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Nguyễn Danh Nam cho rằng để khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm, cần đảm bảo mức lương cho giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 là điểm chuẩn ngành sư phạm ở nhiều trường tăng mạnh, trong đó có ngành tăng đến 9,5 điểm. Ông có bất ngờ về mức điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay?

Điểm chuẩn ngành sư phạm ở nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh. Đây là kết quả của nhiều chính sách có ảnh hưởng đến ngành sư phạm trong thời gian qua, trong đó có chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Theo đó, “Sinh viên sư phạm (nếu đăng ký hưởng trợ cấp) sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí theo quy định của Trường và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại Trường”.

Điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn (khối C) với 28,5. Trường ĐH Hồng Đức, với ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao có điểm chuẩn 39,92 điểm (thang 40). Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75, Sư phạm Ngữ văn 28,93, Sư phạm Lịch sử 28,08, Sư phạm Địa lý 27,92, Sư phạm Sinh học 28,70.

Có mức điểm một số ngành sư phạm biến động mạnh nhất năm nay là Trường ĐH Quy Nhơn. Cả 6 ngành Sư phạm của trường gồm Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa, Sư phạm Vật lý đều có điểm chuẩn 28,5 - tăng từ 5,5 đến 9,5 điểm so với năm 2021.

Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2022 tăng ở nhiều ngành. Trong đó, ngành Sư phạm Ngữ văn lấy 26,75 điểm; Sư phạm Lịch sử 27,50 điểm; Sư phạm Địa Lý 26,25 điểm.

Ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH An Giang có điểm chuẩn tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, đạt mức 26,5. Điểm chuẩn ngành này tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng tăng tới 6 điểm so với năm 2021, từ 19 lên 25 điểm.

Theo ông, yếu tố nào đẩy điểm chuẩn sư phạm lên cao như vậy? Chính sách miễn học phí và hỗ trợ tài chính có tác động đến việc lựa chọn ngành sư phạm hay không?

Chính sách miễn học phí và hỗ trợ tài chính có tác động rất lớn đến việc lựa chọn ngành sư phạm của nhiều học sinh. Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhiều học sinh lựa chọn ngành sư phạm giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm căn cứ trên nhu cầu của các địa phương và năng lực của các cơ sở đào tạo giáo viên. Điều này giúp khắc phục thực trạng đào tạo dôi dư giáo viên trong thời gian qua.

Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên của địa phương không được giao chỉ tiêu đào tạo do địa phương không có nhu cầu.

Một vấn đề khá quan trọng là việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp. Làm sao để khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm? Cần chính sách căn cơ thế nào, thưa ông?

Việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cũng là một yếu tố rất quan trọng tác động đến lý do lựa chọn nghề giáo của nhiều học sinh.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu, trong đó có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương. Đây là cơ hội cho nhiều sinh viên sư phạm sẽ tốt nghiệp trong giai đoạn tới được tuyển dụng vào biên chế giáo viên ở các địa phương trong cả nước.

Để khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm cần những chính sách căn cơ của Nhà nước, trong đó cần đảm bảo lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao vị thế của nghề dạy học trong xã hội “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm vượt cả y dược, có phải nghề giáo đang “hot” trở lại?

Nhìn lại, điểm chuẩn Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 cao nhất là ngành Y khoa 28,15 điểm, ngành Răng hàm mặt là 27,7; Đại học Dược Hà Nội điểm trúng tuyển dao động từ 17,88-26;

Điểm chuẩn năm 2022 Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cao nhất 27,3 điểm với ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt có điểm chuẩn cao thứ hai là 26,4; thấp nhất là 24,25 điểm ngành Điều dưỡng.

Điểm chuẩn Trường ĐH Y Dược Thái Bình năm 2022 dao động từ 19-26,3; Khoa Y (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) điểm trúng tuyển năm 2022 từ 19-26,45...

Như vậy, điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm vượt cả y dược. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền giáo dục nước nhà.

Việt Nam luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục của quốc gia. Do đó, cần thu hút được những học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

Trong quá khứ cũng có nhiều thời điểm, điểm chuẩn vào ngành sư phạm ở mức khá cao so với các ngành nghề khác.

Vì vậy, việc áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với đào tạo giáo viên và ngành sư phạm giúp cho học sinh tự tin hơn khi đăng ký vào ngành, cũng như nhiều giáo viên yên tâm dành nhiều tâm huyết hơn với nghề “trồng người”.

Như ông nói, điểm chuẩn sư phạm cao là tín hiệu tốt cho ngành giáo dục khi chọn được những thí sinh có chất lượng. Vậy việc sàng lọc “đầu vào” tốt sẽ là một trong những yếu tố khiến “đầu ra” tốt hơn?

Việc sàng lọc “đầu vào” tốt là điều kiện cần cho “đầu ra” tốt đối với đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, điều kiện đủ cho chất lượng đào tạo giáo viên chính là “quá trình đào tạo” ở nhà trường sư phạm, trong đó chương trình đào tạo là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo.

Chính vì vậy, cần đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, tập trung đầu tư nguồn lực cho các cơ sở đào tạo - bồi dưỡng giáo viên trọng điểm của cả nước. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nâng cao chất lượng đào tạo cũng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-khuyen-khich-nguoi-gioi-vao-nganh-su-pham-can-dam-bao-luong-cua-giao-vien-199909.html