Để không mắc bệnh 'suy thoái'

Bây giờ có rất nhiều thông tin với những dụng ý khác nhau được đưa lên không gian mạng. Ứng xử thế nào với những thông tin như thế phụ thuộc vào nhận thức và cả tình cảm ở mỗi người.

(Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, việc đưa thông tin, hình ảnh không có thật hoặc bị cắt ghép ngụy tạo rồi gán cho một số người thành đạt, người nổi tiếng, chính trị gia... lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ hoặc triệt hạ nhau đã thành chiêu trò nguy hiểm của những kẻ giấu mặt.

Cùng với đó, một số người bất mãn với chế độ có phát ngôn không đúng mực cũng bị nhiều trang mạng xã hội phản động thêm thắt, lôi kéo người đọc hùa theo nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng, chống phá Nhà nước ta.

Nếu không tỉnh táo nhận diện dẫn đến a dua, hùa theo hoặc chí ít có sự hoài nghi, do dự, chúng ta rất dễ bị các thế lực thù địch, những kẻ xấu dẫn dắt, lợi dụng để trở thành những lao động không công cho nhiều mục đích xấu xa.

Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là căn bệnh a dua, với biểu hiện cụ thể là: “Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”.

Thực tế trong thời gian qua đã có nhiều cán bộ mắc căn bệnh này, trong đó có cả một số cán bộ lão thành, người từng lập nhiều công trạng hoặc có học hàm, học vị cao, từng giữ vị trí lãnh đạo trong bộ máy của chúng ta...

Họ đang nhấp chuột để bình luận, chia sẻ thông tin mà ít khi chịu dừng lại chỉ vài phút suy nghĩ xem thông tin này được đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích gì, nguy hại tới đâu nếu bị chia sẻ, bình luận.

Một bộ phận khác thì lại cố gắng chứng minh mình là người đấu tranh cho lẽ phải bằng việc đưa lên không gian mạng những bài viết phản đối chế độ, một số chủ trương của cấp ủy, chính quyền, nhưng lại không có đủ lý lẽ và căn cứ.

Những khuôn mặt ảo sau mỗi tài khoản thật đang trở thành kẻ tiếp tay đáng sợ cho những dụng ý xấu xa, mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, làm cho thông tin thêm nhiễu loạn.

Có câu nói rằng: Một nửa chiếc bánh mỳ vẫn là chiếc bánh mỳ, còn một nửa sự thật là sự giả dối. Trong thế giới phẳng hiện nay mỗi người cần phải cẩn trọng trong mỗi phát ngôn, bài viết khi đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt, phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc khi tham gia bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm cần nhìn nhận, lý giải thấu đáo để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-khong-mac-benh-suy-thoai/109515.htm