Để không còn tình trạng 'bắt cóc bỏ đĩa'

Thời gian này, Hà Nội đang thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải về xử lý xe quá khổ, quá tải theo quy định và lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Mặc dù công tác này đã đạt được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này khiến dư luận lo ngại bởi tình trạng 'bắt cóc bỏ đĩa' như trên dễ dẫn đến nhờn luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nói rằng, tình trạng xe quá khổ, quá tải đang tàn phá nhiều tuyến giao thông, đặc biệt là khu vực vùng ven đô. Thống kê về xử phạt xe chở quá tải các năm qua cho thấy: Xe quá tải hoạt động mạnh khu vực vùng ven, chở vật liệu xây dựng từ hướng Hòa Bình về Hà Nội, chở cát tuyến ven đê… Còn từ hướng nội thành ra ngoài Hà Nội chủ yếu là xe chở phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường về bụi bẩn.

Do hoạt động của xe quá tải trên 100% và thậm chí 200% nên nhiều tuyến đường Thủ đô xuống cấp. Nói cách khác, xe vượt tải làm “mỏi” liên kết trong vật liệu áo đường. Khi mặt đường phải gánh tải trọng lớn hơn tải trọng thiết kế liên tục, kết hợp những thời điểm nhiệt độ cực đoan, sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu áo đường gây hư hỏng.

Hệ lụy gây ra là nhãn tiền. Ở khía cạnh xử lý, lỗi quá tải là một lỗi thường gặp với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ bị phạt tương đối nặng. Cụ thể, theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải theo từng tỷ lệ như quá: 10%-30%; 30-50%; 50-100%; 100%-150% và trên 150%.

Khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Đối với trường hợp cụ thể, khi đã được xác định quả tải 100% thì mức phạt với lái xe từ 7 triệu – 8 triệu đồng; chủ xe dạng cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32 - 36 triệu đồng. Mặc dù phạt nặng như vậy nhưng tình trạng xe quá tải vẫn ngang nhiên tái diễn.

Không chỉ cố tình vi phạm, nhiều chủ xe, lái xe còn nghĩ ra đủ loại “chiêu trò” để qua mắt lực lượng chức năng, từ việc tự ý thay đổi kết cấu kỹ thuật của xe để chở vượt tải trọng, đến thay đổi thùng xe từ loại hở sang kín, từ xe tải thường sang siêu trường siêu trọng.

Việc khó xử lý với những xe quá tải trọng được cho là một trong những nguyên nhân khiến chủ phương tiện cố tình lách luật cố tình vi phạm. Trong khi đó, theo quy định, việc đặt trạm cân phải có mặt bằng nhất định. Việc ra quân thường phải thông báo trước với địa phương bởi liên quan đến yếu tố trật tự. Cùng với đó là sự bất hợp tác của chủ xe, việc đưa xe về bãi…

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát xe quá tải bền vững, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”? Được biết, để khắc phục hiện tượng này, sắp tới Hà Nội sẽ lắp thí điểm trạm cân tự động trên một tuyến đường hay có xe vi phạm. Theo đó, khi xe chạy qua, xe nào quá tải sẽ bị ghi lại thông số và thời điểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp vừa minh bạch thông tin và xử lý chính xác đối tượng vi phạm.

Cùng với giải pháp nêu trên còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên trách, thể hiện ở việc nghiêm túc trong tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện kịp thời, triệt để, minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân. Trước mắt, các lực lượng liên ngành cần tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến hay xảy ra vi phạm về tải trọng, vệ sinh môi trường giao thông. Đồng thời, tổng hợp, thống kê các phương tiện tái phạm nhiều lần, các đơn vị có nhiều phương tiện vi phạm… báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội để có hình thức xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-khong-con-tinh-trang-bat-coc-bo-dia-111558.html