Để không còn những vụ đuối nước thương tâm

Thời gian vừa qua, các sở, ban, ngành, nhà trường và gia đình đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh đuối nước ở trẻ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ đuối nước gây hậu quả nghiêm trọng, mà phần lớn các nạn nhân ở lứa tuổi học sinh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước là do sự thiếu giám sát của người lớn, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao hồ.

Những vụ đuối nước thương tâm

Đã hơn 1 tháng trôi qua, không khí tang thương vẫn còn bao trùm lên các thôn Phi Bình, Thọ Vực và Yên Lạc, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) và khi hỏi về vụ đuối nước thương tâm những người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng và xót xa. Vào hồi 14 giờ ngày 6-5-2019, nhóm học sinh gồm 6 em đang theo học tại Trường THCS Vĩnh Ninh, rủ nhau ra sông Mã đoạn chảy qua thôn Thọ Vực tắm. Trong khi tắm, không may có em bị sa vào dòng xoáy, nước sâu, các em níu kéo nhau nên bốn học sinh bị nước nhấn chìm. Ngay sau đó, Công an huyện Vĩnh Lộc và đội phòng cháy, chữa cháy khu vực 4 cùng lực lượng tại cơ sở tổ chức nhân lực, huy động phương tiện, thiết bị nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Đến 18 giờ, lực lượng chức năng đã tìm thấy và vớt được thi thể bốn nạn nhân.

Trước đó, vào chiều 18-4, một nhóm học sinh của Trường THCS Xuân Hòa (Thọ Xuân), rủ nhau ra ao thuộc cánh đồng Lúc, xã Xuân Hòa để tắm. Trong khi tắm, do không biết bơi, nên 2 em sinh đôi là Lê Văn Trung và Lê Văn Trường (học lớp 7) bị đuối nước. Các học sinh đi cùng đã hô người lớn từ trong làng chạy ra cứu vớt. Nhưng khi người dân đưa được các em lên bờ thì cả hai đã tử vong.

Chiều ngày 14-4, 4 học sinh nam ra bãi biển xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) để tắm. Trong khi đang nô đùa trên bãi biển, 2 học sinh bị sóng lớn cuốn vào vùng nước xoáy và trôi dạt ra xa. Thấy các bạn bị sóng cuốn trôi, 2 em còn lại hốt hoảng chạy vào khu vực dân cư để kêu cứu nhưng không kịp.

Từ những vụ tai nạn đuối nước nêu trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị đuối nước tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào.

Biện pháp nào để phòng ngừa

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 98 vụ tai nạn thương tích (trong đó có 86 trẻ em tử vong do đuối nước, số còn lại là tử vong do tai nạn giao thông đường bộ và tai nạn, thương tích khác), riêng 6 tháng đầu năm đã có 11 trẻ chết do đuối nước. Qua những vụ đuối nước trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em rất nhiều, song phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Mặt khác, tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Một nguyên nhân không thể bỏ qua, đó là khi các em ứng cứu lẫn nhau lại chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người đuối.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa tai nạn thương tích và các kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích tại các vùng trọng điểm... Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích và lồng ghép với thực hiện chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khóa của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em; tổ chức các lớp dạy bơi trang bị kiến thức, kỹ năng tồn tại trong môi trường nước cho trẻ em. Tháng 5 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các hoạt động của dự án hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Thanh Hóa năm 2019 cho đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện; thành viên nhóm điều phối cấp tỉnh và đại diện 20 xã, thị trấn thuộc các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Nga Sơn, Như Thanh, Cẩm Thủy (là các huyện có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước hằng năm tương đối cao) được Tổ chức Y tế cộng đồng khảo sát và lựa chọn để thực hiện các can thiệp, hoạt động của dự án. Dự án được thực hiện thông qua nội dung hoạt động của 4 hợp phần, gồm: Truyền thông, nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi; hỗ trợ duy trì tính bền vững và hiệu quả các mô hình can thiệp nhằm cải tạo môi trường, hạn chế các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình và cộng đồng...

Mặc dù, các đơn vị đã vào cuộc nhưng điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Bởi, phòng tránh đuối nước không chỉ ở việc học bơi, biết bơi mà điều quan trọng hơn là các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Trước các mối nguy, phụ huynh thường cấm đoán trẻ nhưng quên mất rằng, không thể kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi, bởi vậy, việc giải thích, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ để con nhận thức được nơi nào nguy hiểm cần tránh xa là vô cùng cần thiết. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ đuối nước, thiết nghĩ các đơn vị chuyên trách cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để nhân dân, nhất là trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-khong-con-nhung-vu-duoi-nuoc-thuong-tam/102917.htm