Để không còn những cô dâu, chú rể chưa đủ tuổi kết hôn

Khi hoa đào lác đác nở trên khắp bản làng cũng là lúc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Ninh bắt đầu vào mùa cưới. Theo các trưởng thôn, trưởng bản, giờ đây còn rất ít trường hợp làm đám cưới trước độ tuổi mà pháp luật cho phép kết hôn.

Đám cưới người Dao Thanh Y, xã Quảng Đức (Hải Hà). Ảnh: Hữu Việt

Đám cưới người Dao Thanh Y, xã Quảng Đức (Hải Hà). Ảnh: Hữu Việt

Nối nghiệp của bố nên năm nay dù mới 38 tuổi, Tằng Dếnh Thân, bản Mốc 13 đã trở thành thầy cúng nổi tiếng ở xã Quảng Đức (huyện Hải Hà). Đây là xã phần lớn người dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, tình trạng tảo hôn ở các thôn, bản người Dao trên địa bàn tỉnh nói chung, ở Hải Hà nói riêng chiếm khá nhiều. Tuy nhiên, theo ông Thân, những năm gần đây, tình trạng này giảm hẳn. Ngay như bản Mốc 13 có 70 hộ dân sinh sống, mấy năm nay không có trường hợp cưới trước độ tuổi pháp luật cho phép.

Ông bảo: “Được xã, các đoàn thể tín nhiệm cử làm người có uy tín ở bản, tôi thường xuyên vận động người dân không cho con tảo hôn. Việc vận động này thường lồng trong các buổi lễ hội của bản hoặc trong quá trình trò chuyện với bà con tại các buổi đám cưới. Mà vận động thì phải giải thích cặn kẽ những bất cập của kết hôn trước độ tuổi pháp luật cho phép thì bà con mới nghe”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, hiện Quảng Ninh có 109 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi. Tổng dân số trên địa bàn tỉnh là 1.320.324 người (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019), trong đó dân số DTTS là 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Không chỉ ở bản Mốc 13 của Quảng Đức mà tình trạng tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã giảm hẳn.

Ông Lý Tài Thông, người có uy tín ở thôn Bằng Anh (xã Tân Dân) tuyên truyền cho bà con về phòng, chống tảo hôn.

Có được kết quả này là nhờ công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS luôn được tỉnh và các địa phương xem trọng, triển khai mọi biện pháp thực hiện. Năm 2015, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 6578/KH-UBND triển khai Đề án 496 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các ban, ngành, địa phương đã linh hoạt mọi giải pháp để thực hiện, trong đó tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền.

Ban Dân tộc tỉnh chủ động biên soạn, in ấn, cấp phát tờ gấp, sách tuyên truyền; tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng truyên truyền, vận động và tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình đối với cán bộ xã, thôn; trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về hôn nhân - gia đình; về hệ lụy của tảo hôn, vùng đồng bào DTTS. Riêng năm 2020, Ban đã tổ chức 8 hội nghị, tập huấn với hàng nghìn người tham dự. Từ năm 2016 đến nay, Ban đã phối hợp tổ chức 6 diễn đàn “Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các trường phổ thông DTNT trên địa bàn toàn tỉnh cho gần 1.000 học sinh và các thầy, cô giáo, người dân gần các trường cùng tham gia.

Để tác động mạnh đến bà con, các địa phương đều huy động sự vào cuộc của đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS bởi đây chủ yếu là các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, dòng tộc, người làm nghề chữa bệnh, người có điều kiện kinh tế khá, nhiệt tình giúp đỡ đồng bào và được đồng bào tin tưởng. Bằng uy tín, sự từng trải và nắm chắc thực tiễn địa phương, trên cơ sở cùng ngôn ngữ và phong tục tập quán với đồng bào DTTS, người có uy tín đã chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục từ con cháu trong gia đình, dòng họ đến đồng bào ở thôn, bản, khu phố về việc hôn nhân đúng độ tuổi.

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ảnh: Vân Anh

Bên cạnh đó, các địa phương còn lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn trong các cuộc họp của xã, thôn, bản, khu phố; tuyên truyền trong các trường học trên địa bàn, hay lồng ghép trong các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản; hay tại các buổi tiêm chủng mở rộng ở trạm y tế xã. Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã tổ chức gần 1.900 hoạt động truyền thông các loại cho gần 124.000 lượt người tham gia; trực tiếp tổ chức 4.434 cuộc tư vấn về tảo hôn và các nội dung liên quan cho 18.557 người. Chính bởi vậy, người dân vùng DTTS miền núi tỉnh Quảng Ninh đã được nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với đó, các địa phương còn tổ chức các mô hình can thiệp, câu lạc bộ tiền hôn nhân, tuổi trẻ với hôn nhân, tư vấn sức khỏe sinh sản... thông qua đó đã tư vấn, vận động, tuyên truyền rất nhiều trường hợp để phòng tảo hôn trên địa bàn. Tỉnh còn tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS của tỉnh; tăng cường thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, THPT và việc phân luồng giáo dục... từ đó giúp bà con, thanh thiếu niên có cơ hội học nghề, tạo việc làm.

Những yếu tố trên đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến việc làm giảm tình trạng tảo hôn trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Giai đoạn trước năm 2015, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có 11.331 người tảo hôn thì đến giai đoạn 2015-2020, chỉ còn 236 cặp tảo hôn, trong đó có 38 cặp cả vợ và chồng chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn còn tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS, việc phòng, chống tảo hôn vẫn tiếp tục là nhiệm vụ được các địa phương quan tâm, thực hiện trong thời gian tới.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202101/de-khong-con-nhung-co-dau-chu-re-chua-du-tuoi-ket-hon-2517003/