Để không còn 'nghịch lý'

Dưới góc độ kinh tế, việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là lời giải cho nghịch lý Hạ Long-'đầu tàu' phát triển kinh tế của Quảng Ninh nhưng thiếu không gian phát triển, còn huyện Hoành Bồ diện tích lớn nhất nhưng kinh tế chưa xứng tầm. Dấu mốc này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tạo ra một TP Hạ Long mới giàu đẹp hơn.

Nếu nhìn trên bản đồ, vịnh Cửa Lục thông với vịnh Hạ Long qua eo biển hẹp nên trông không khác một “hồ nước” khổng lồ. Vịnh Cửa Lục được ôm trọn bởi huyện Hoành Bồ ở phía bắc và TP Hạ Long ở phía nam. Bao năm qua, với nhiều lợi thế, nhất là sở hữu Di sản thế giới vịnh Hạ Long nên đương nhiên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau đổ vốn đầu tư khiến quỹ đất TP Hạ Long cạn dần.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hạ Long là 16,3%; thu nội địa đạt 10.693 tỷ đồng, chiếm hơn 30% của tỉnh Quảng Ninh. Áp lực tăng trưởng liên tục trong khi không gian phát triển không còn, bắt buộc phải mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long. Mở rộng về phía vịnh Cửa Lục, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số huyện Hoành Bồ được kỳ vọng sẽ đưa TP Hạ Long mới trở thành một “điểm sáng” về kinh tế. Với diện tích 843,54km2, huyện Hoành Bồ rộng gấp 4 lần thành phố Hạ Long, quỹ đất vẫn còn rất nhiều để xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp sạch, xanh, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí mới... xung quanh vịnh Cửa Lục. Tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng cầu và hầm vượt vịnh Cửa Lục để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông trong tương lai. Các chuyên gia bất động sản nhận định, chỉ trong thời gian ngắn sau khi sáp nhập, khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục sẽ “lột xác” trở thành khu vực đô thị sầm uất, tạo đà cho du lịch Hạ Long tăng trưởng.

 Sáp nhập hai địa phương là cơ hội để hoa lan tại trang trại Hoa Đồng Ho (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) được tiêu thụ nhiều hơn.

Sáp nhập hai địa phương là cơ hội để hoa lan tại trang trại Hoa Đồng Ho (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) được tiêu thụ nhiều hơn.

Phần đất rộng lớn còn lại, bao gồm khu vực miền núi của TP Hạ Long mới sẽ phát triển theo hướng nào? Doanh nhân Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hạ Long, cho rằng: “Tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc, cảnh quan tự nhiên của Hoành Bồ chắc chắn sẽ bổ khuyết cho những hạn chế của Hạ Long hiện nay. Cá nhân tôi cho rằng, nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái, lâm nghiệp là những lĩnh vực ưu tiên phát triển. Để phát triển vùng đất còn nhiều khó khăn, cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch phân khu và quy hoạch ngành hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ”.

Huyện Hoành Bồ lâu nay được ví như một Quảng Ninh thu nhỏ, có rừng, có biển, có vịnh cho nên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Với xu thế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, việc sáp nhập mở ra cơ hội để nhiều ngành nghề mới ra đời, các sản phẩm nông, lâm nghiệp được chế biến, tiêu thụ nhiều hơn. Từ đó, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập được nâng lên, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; nâng cao mức sống, tạo chuyển biến về nhận thức của bộ phận đồng bào dân tộc vốn còn khó khăn ở huyện Hoành Bồ.

TP Hạ Long mới sau sáp nhập sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước với diện tích 1.119,36km2. Đô thị Hạ Long là trung tâm tỉnh lỵ bậc nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc, một đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ sớm hình thành. Điều người người mong đợi là tăng trưởng kinh tế phải thật bền vững, nhân dân được hưởng lợi để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài và ảnh: HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/de-khong-con-nghich-ly-604244