Để không còn ai bị thương tật do bom, mìn

Vừa bước chân vào cổng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Cam Chính (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười nói của lũ trẻ. Các em đang hào hứng trao đổi với nhau về tập truyện tranh của Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cấp phát, hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh thương tích do bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra.

Theo kết quả điều tra của VNMAC, huyện Triệu Phong và Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) là hai địa bàn còn nhiều bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh. Nhằm giúp cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn nhận thức được tính nguy hiểm, cách nhận biết và phòng tránh thương tích do bom, mìn, vật nổ gây ra; hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn, VNMAC đã phối hợp với Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam; Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam tổ chức tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom, mìn; giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho người dân.

 Phổ biến kiến thức về các loại bom, mìn, vật liệu nổ cho học sinh. Ảnh do VNMAC cung cấp

Phổ biến kiến thức về các loại bom, mìn, vật liệu nổ cho học sinh. Ảnh do VNMAC cung cấp

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thành, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Cam Chính, những năm qua, nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục nhận thức về bom, mìn tồn sót sau chiến tranh cho học sinh thông qua nhiều môn học, như: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS); hoặc bằng hình thức thi vẽ tranh, sáng tác tiểu phẩm... Vì thế, học sinh nhà trường đa số đều hiểu về sự nguy hiểm, cách nhận biết và cách thức xử lý khi gặp bom, mìn trong sinh hoạt thường ngày. “Tuy nhiên, bản thân nhiều giáo viên nhà trường chưa có kiến thức chuyên sâu về nội dung này nên việc truyền tải cho học sinh khi lên lớp cũng chưa đầy đủ”, bà Thành bày tỏ. Chính vì thế, bên cạnh mục đích nâng cao nhận thức cho học sinh, VNMAC còn cung cấp tài liệu, tổ chức trao đổi thông tin với cán bộ, giáo viên nhà trường với vai trò là những người trực tiếp quản lý, tham gia khắc phục hậu quả bom, mìn.

Bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, chiếu phim, phát truyện tranh… cho cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc hai điểm trường đã đem lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, góp phần giảm thấp nhất trường hợp người dân bị thương tật do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra.

HÀ MY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-khong-con-ai-bi-thuong-tat-do-bom-min-570771