Để không có những quy định 'trên trời'

Đầu tuần này, trao đổi với báo chí về dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có quy định sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ nói rằng 'sai phải sửa' và 'kiên quyết sửa'. Đồng thời, ông Nhạ khẳng định sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo.

Trước đó, một thứ trưởng bộ này cho biết dự thảo này “bị lỗi” do ban soạn thảo sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất. Trước đó nữa, khi dự thảo được đưa lên trang web của bộ để lấy ý kiến đóng góp, dư luận đã phản ứng gay gắt dưới nhiều góc độ, như: có nên đưa hoạt động mại dâm vào quy chế công tác học sinh, sinh viên; vì sao là sinh viên sư phạm mà bán dâm đến lần thứ tư mới bị đuổi học...

Ảnh minh họa: TL

Đây là ví dụ mới nhất, bổ sung vào danh sách dài dằng dặc những ý tưởng quản lý “trên trời” như ngực lép không được đi xe máy, người ăn bẩn sẽ bị phạt, cảnh sát giao thông không được mang quá 100.000 đồng/ngày khi thi hành nhiệm vụ, nhân viên trạm thu phí đường bộ phải khâu túi quần, túi áo trong lúc đi làm (để phòng ngừa tiêu cực)... Không ít những quy định “trên trời” kiểu như vậy đã được quy phạm hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, như người bán đồ ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt tiền triệu (Nghị định 115/2018); 77 ngành nghề phụ nữ không được làm (Thông tư 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH); thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng tám giờ (Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNN); không để ô kính trên nắp quan tài (Nghị định 105/2012)...

Nói “trên trời” là vì các quy định đó không cần thiết, không hợp lý, không khả thi, và trong nhiều trường hợp còn trái luật, vi phạm quyền công dân... Nhiều quy định sau khi ban hành không được đình chỉ hiệu lực thi hành, chưa được bãi bỏ, sửa chữa, nhiều trường hợp bị “bỏ quên”, không ai thực hiện...

Quay lại với chuyện sinh viên sư phạm bán dâm bốn lần mới bị đuổi học nói trên, may mà lần này dư luận nhanh chóng phản ứng, Bộ GDĐT nhanh chóng tiếp thu. Nhưng cũng từ đây mới giật mình là thật ra quy định đó đã có từ năm 2016, trong Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT, áp dụng cho toàn bộ sinh viên mà không thấy ai phản ứng gì.

Vậy thì trong quá trình soạn thảo quy định “trên trời” này nói riêng và các quy định “trên trời” khác nói chung, công luận không biết để có ý kiến phản đối, hay biết mà vẫn thờ ơ im lặng, hay đã lên tiếng mà không được tiếp thu? Câu trả lời có lẽ là cả ba.

Thời gian gần đây, về mặt hình thức, các cơ quan soạn thảo đã chấp hành quy định lấy ý kiến góp ý công khai nhiều hơn. Vấn đề là có quá nhiều văn bản được ban hành, tác động đến những đối tượng khác nhau, nên việc mỗi người dân chủ động tìm hiểu để góp ý là rất hạn chế. Ở các nước, việc này thường được tiến hành hiệu quả thông qua các hiệp hội, tổ chức xã hội đại diện cho các thành phần dân cư, tổ chức. Tại nước ta hiện nay, chỉ các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng là có điều kiện về tổ chức, nhân sự, nguồn lực để làm tương đối thường xuyên việc này. Những thành phần dân cư yếu thế ít có điều kiện hơn, đa số trông cậy vào sự phát hiện, lên tiếng của giới truyền thông, sau đó lên tiếng cùng. Dù sao thì từ quy định sinh viên sư phạm bán dâm, bài học rút ra là càng lên tiếng nhiều càng tốt.

Nhưng tốt hơn hết là ngay từ đầu, quy định “trên trời” không xuất hiện trong dự thảo. Điều này không chỉ đòi hỏi năng lực làm chính sách, bao gồm cả năng lực hiểu biết thực tế đời sống và năng lực lắng nghe; mà còn cần thay đổi tư duy quản lý, không chăm chăm vào lợi ích cục bộ khi quản hay từ bỏ thói quen không quản được thì cấm. Muốn vậy, chỉ sự chuyển động từ bên trong không đủ, phải có áp lực kiểm soát, giám sát từ bên ngoài.

Thiên Tường

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280976/de-khong-co-nhung-quy-dinh-tren-troi-.html