Để không có 'khoảng trống, điểm mờ' trong thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Đức Cường trao đổi với Nhân Dân điện tử về những điểm mới của công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường. (Ảnh: MINH NGUYỆT).

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường. (Ảnh: MINH NGUYỆT).

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Đức Cường trao đổi với Nhân Dân điện tử về những điểm mới của công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Với khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên huy động từ 130 trường đại học, cùng với sự vào cuộc của các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, sở GD-ĐT, có thể thấy rằng chưa năm nào lực lượng thanh tra làm công tác thi được huy động lớn như năm nay. Đây có phải là biện pháp để công tác thanh tra, kiểm tra sẽ bảo đảm không còn “khoảng trống, điểm mờ”, góp phần tạo nên một kỳ thi khách quan, an toàn, nghiêm túc?

Phóng viên (PV): Thưa ông, một trong những điểm mới tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ diễn ra vào tháng 8 sắp tới, là cán bộ, giảng viên đại học không tham gia coi thi, chấm thi nhưng sẽ tham gia đoàn của Bộ GD-ĐT làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thi. Xin ông cho biết tại sao lại có sự điều chỉnh này?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Năm nay, ngay thời điểm đại dịch Covid-19 đang xảy ra, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị, trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện giảm thiểu việc tập trung người.

Năm 2019, chúng tôi đã huy động khoảng 50 nghìn cán bộ, giảng viên đại học tham gia làm công tác thi (coi thi, chấm thi) để bảo đảm điều kiện là mỗi phòng thi có 50% là cán bộ, giáo viên phổ thông, 50% là cán bộ, giảng viên đại học.

Với kỳ thi năm nay, đã đặt ra vấn đề không có sự tham gia trong khâu coi thi, chấm thi của các trường đại học để tránh huy động đông người thì cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm sự nghiêm túc, công bằng, khách quan cho kỳ thi.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, Bộ GD-ĐT phối hợp cơ quan liên quan để tổ chức thanh tra, kiểm tra bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế, khách quan. Khác với những năm trước, năm nay, cả thanh tra tỉnh, thanh tra Chính phủ cũng vào cuộc.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ điều động cán bộ, giảng viên đại học trong công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm sự khách quan. Mục tiêu của kỳ thi vẫn là dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, do vậy các trường đại học cũng phải có trách nhiệm, cùng giám sát, cùng cộng đồng trách nhiệm.

Cán bộ, giảng viên đại học sẽ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

PV: Việc có thêm cán bộ, giảng viên tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra, theo sự đánh giá của ông, sẽ giúp tăng sự minh bạch tới mức độ nào?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Cán bộ, giảng viên đại học tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra sẽ làm tăng sự khách quan cho kỳ thi. Đây là những người được các trường lựa chọn, có đạo đức, có am hiểu, có kinh nghiệm trong làm thi và có thể nói là người từ bên ngoài các địa phương tham gia giám sát.

Trước đây, thời kỳ thi “ba chung”, kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương đã xảy ra những hiện tượng tiêu cực như trèo tường ném tài liệu, phao thi rải trắng sân trường… Sau đó, những năm gần đây, thì các cán bộ, giảng viên đại học về các địa phương tham gia công tác thi, cùng với cách ra đề thi, cách thi thì đã hầu như không còn hiện tượng này.

PV: Dự kiến sẽ có bao nhiêu cán bộ, giảng viên đại học được huy động tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi sắp tới? Việc lựa chọn các trường, lựa chọn cán bộ giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Năm nay dự kiến sẽ có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên đại học được huy động từ 130 trường để tham gia công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong số hơn 350 trường đại học, chỉ có 130 trường được lựa chọn theo các tiêu chí nhất định. Việc bố trí các trường không thanh tra, kiểm tra ở nơi mà địa phương đó là chủ quản của trường nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp, chỉ đạo; mỗi địa phương có ít nhất hai trường than gia kiểm tra công tác coi thi.

Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Đối với các giảng viên thì đặt ra yêu cầu có đạo đức, có kinh nghiệm về công tác thi và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về cán bộ cử đi. Các cán bộ, giảng viên được lụa chọn tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn kỹ, được đánh giá đạt trong bài thi đánh giá sau tập huấn.

PV: Công tác thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ có sự tham gia và thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu của các đoàn thanh tra, kiểm tra ở ba cấp là Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, sở GD-ĐT. Đây có phải là một trong những giải pháp triệt để giúp phòng ngừa sai phạm tại địa phương và liệu có sự chồng chéo nào không?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Đối với việc chuẩn bị cho kỳ thi: Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu của kỳ thi; tại các điểm thi. Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn đi 2-3 sở, ngoài ra có các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo cấp quốc gia, các cuộc làm việc của Lãnh đạo Bộ với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh. Các địa phương tổ chức thanh tra hoặc kiểm tra tùy điều kiện địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Trong công tác coi thi, diễn ra trong hai ngày, việc thanh tra được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về Thanh tra, bảo đảm không có sự chống chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng. Như vậy, thì sở GD ĐT sẽ tổ chức công tác thanh tra, chủ động huy động lực lượng của tỉnh để tổ chức các đoàn thanh tra công tác coi thi ở địa phương.

Còn Bộ GD-ĐT thì huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên đại học làm công tác kiểm tra. Đối với công tác kiểm tra, chúng tôi đề xuất mỗi điểm thi có từ 2-3 cán bộ, giảng viên. Phương án đưa ra là với điểm thi dưới 15 phòng thi tối thiểu có hai cán bộ giảng viên; từ 15 đến 30 phòng thi sẽ có ba giảng viên; 30-45 phòng thi là năm giảng viên, …

Thủ tướng đã có Chỉ thị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Thanh tra tỉnh sẽ cử người tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương.

PV: Năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra được Bộ GD-ĐT hết sức chú trọng, coi đây là một trong những giải pháp bảo đảm an toàn, nghiêm túc cho Kỳ thi. Họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh: “Phải phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu phương pháp, trách nhiệm của từng cấp thanh tra. Mọi công đoạn của công tác thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất, không có khoảng trống, không có điểm mờ”. Theo ông, “khoảng trống, điểm mờ” ở đây có thể là những vấn đề gì?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Như đã nêu ở trên, công tác thanh tra, kiểm tra năm nay được lên kế hoạch ở tất cả các khâu của kỳ thi, chú trọng vào tất cả các Hội đồng thi, các điểm thi. Đối với một số nơi như vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn cũng sẽ có sự lưu ý, quan tâm hơn. Tuy nhiên, cần khẳng định là không có sự phân biệt bởi chúng tôi xác định khi đã xảy ra vấn đề thì chỗ nào cũng vậy.

Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, thực thi theo đúng pháp luật trên thực tế để làm sao công tác thanh tra, kiểm tra phủ kín hết tới mọi nơi. Chưa năm nào Bộ GD-ĐT huy động lực lượng lớn cán bộ như vậy. Mặc dù năm nay, sau thời gian giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công việc đang cần gấp rút thực hiện nhưng các đơn vị của Bộ vẫn ưu tiên bố trí cán bộ tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra thi. Đối với công tác chấm thi, trong kỳ thi năm ngoái, cùng với lực lượng thanh tra của Bộ, chúng tôi huy động thêm một số lượng hạn chế cán bộ, công chức các Vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ, thì năm nay, Lãnh đạo Bộ sẽ yêu cầu số lượng lớn các cán bộ cấp vụ, Trưởng phòng để làm Trưởng đoàn thanh tra theo quy định về tổ chức đoàn thành tra cấp Bộ và hàng trăm chuyên viên, cán bộ, giảng viên đại học tham gia thanh tra công tác chấm thi… Bộ trưởng cũng đã quán triệt đây là nhiệm vụ chính trị của ngành.

PV: Trên thực tế đã có những sự việc tiêu cực xảy ra trong khâu chấm thi. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra khâu này tại các địa phương được chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Riêng đối với khâu chấm thi, năm trước do các trường đại học phụ trách, năm nay được giao cho địa phương. Địa phương sẽ có đoàn thanh tra, và Bộ GD-ĐT cũng tổ chức đoàn thanh tra.

Nguyên tắc là Sở GD-ĐT thành lập Đoàn thanh tra công tác chấm thi. Bộ GD-ĐT sẽ thành lập Đoàn thanh tra có từ 4-6 người, thanh tra trực tiếp tại sở GD-ĐT trong thời gian chấm thi, nội dung là thanh tra việc chỉ đạo, tổ chức chấm thi và thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi của Sở GD-ĐT. Như vậy, sẽ có đoàn thanh tra của Bộ thực hiện thanh tra tại 63 sở, Đoàn thanh tra do lãnh đạo các Vụ Cục làm trưởng đoàn, có sự tham gia của các bộ, chuyên viên cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ, giảng viên đại học.

Sau đó, khi chấm phúc khảo, các sở GD-ĐT cũng sẽ tổ chức thành lập Đoàn thanh tra công tác phúc khảo bài thi, có ít nhất là 03 người và những người đã tham gia Đoàn thanh tra chấm thi thì không được tham gia Đoàn thanh tra phúc khảo bài thi.

Bộ GD-ĐT thành lập các Đoàn kiểm tra tại 63 sở GD-ĐT trong thời gian 6 ngày, trong khoảng từ ngày 10-9 đến ngày 20-9, theo kế hoạch phúc khảo bài thi của địa phương.

Có thể nói, năm nay công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi thực hiện làm rất chặt chẽ. Sai phạm những năm trước đã xảy ra trong khâu này.

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: "Khâu nào cũng phải bảo đảm nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm".

PV: Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các kỳ thanh tra thi trên toàn quốc, ông cho rằng cần lưu ý tới điều gì khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Với ngành giáo dục, theo tôi điều cần quán triệt đó tổ chức kỳ thi phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan tránh tiêu cực. Tất cả các cấp, các cơ quan, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi phải quán triệt ngay từ khi chuẩn bị, đến các khâu coi thi, chấm thi, phải xác định khâu nào cũng phải bảo đảm nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm. Sai là phải xử lý, không để khoảng trống được. Tất cả các hội đồng thi đều cần được quán triệt điều này và phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.

Tôi tin tưởng dưới sự chỉ đạo của các Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp của các lưc lượng chúng ta sẽ có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

PV: Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch tập huấn cho những cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra đến đâu, thưa ông?

Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường: Chúng tôi sẽ tổ chức hai lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, cốt cán của các trường đại học, sở GD-ĐT, sau đó, các cán bộ này về tập huấn cho đội ngũ thực hiện các khâu của kỳ thi ở địa phương. Tổ chức hai lớp tập huấn cho cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra của Bộ. Kết thúc các đợt tập huấn, sẽ có bài kiểm tra đánh giá, học viên đạt mới được tham gia kỳ thi.

Về tài liệu tập huấn, năm nay, bên cạnh các văn bản như Quy chế, Hướng dẫn, Sổ tay nghiệp vụ, chúng tôi đã xây dựng tài liệu điện tử. Tất cả nhiệm vụ ở các khâu của kỳ thi được mô hình hóa bằng hình ảnh đồ họa, clip mô phỏng. Người thực hiện có thể nắm được chức trách của mình ở từng khâu, sẽ kiểm tra nội dung gì, kiểm tra chỗ nào, lưu ý những điểm gì dể phát sinh tiêu cực, trách nhiệm đến đâu…

Trân trọng cảm ơn ông!

LÊ HÀ - XUÂN KỲ (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/de-khong-co-khoang-trong-diem-mo-trong-thanh-tra-kiem-tra-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2020-607525/