Để không bị kẻ xấu lôi kéo, kích động

Trình độ hiểu biết pháp luật của công nhân, người lao động nhìn chung ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận công nhân, người lao động có trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, do vậy rất dễ bị một số đối tượng dụ dỗ, kích động nên dẫn đến một số ngừng việc, xuống đường tụ tập gây rối trật tự công cộng.

Cán bộ công đoàn Đồng Nai về tận khu nhà trọ tuyên truyền kiến thức pháp luật lao động cho công nhân. Ảnh: H.A.C

Những hành động do thiếu hiểu biết này không những khiến chính bản thân họ đối diện nguy cơ vi phạm pháp luật, mất công ăn việc làm, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, làm xấu môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn. Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp sẽ phải làm gì để tăng cường trang bị kiến thức về pháp luật cho người lao động để họ nắm vững được các chủ trương, chính sách của Nhà nước tránh bị những kẻ xấu lợi dụng, kịch động lôi kéo?

Thiếu hiểu biết pháp luật, dễ bị xúi giục, lôi kéo

Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm… vốn là những Bộ luật và Luật thiết thân với người lao động, tuy nhiên, để hiểu và áp dụng vào cuộc sống, không phải anh chị em công nhân (CN) nào cũng nắm được hoặc biết cách
sử dụng.

“Cty có quy định hạn chế việc đi vệ sinh suốt một thời gian dài nhưng CN cắn răng chịu đựng. Mọi người nghĩ đủ cách để đối phó ví dụ như uống ít nước, hoặc ráng “nhịn”, chỉ đến khi một nữ CN không chịu nổi, khóc ngất khi không được cán bộ quản lý cho phép đi vệ sinh, mọi người phản ứng, cơ quan chức năng vào cuộc thì CN mới biết là Cty đã sai. Cty đã vi phạm nhân quyền, o ép người lao động. Hơn nữa việc Cty để nhà vệ sinh hôi hám, không có chỗ vệ sinh tắm giặt cho nữ công nhân cũng là vi phạm Luật, Nghị định của Chính phủ” - một nữ CN làm việc tại Cty S.B (TPHCM), chia sẻ sau cuộc ngừng việc nhiều ngày của CN. Theo nữ CN này, nếu không có việc một đồng nghiệp khóc ngất vì không được đi vệ sinh, có lẽ CN sẽ còn chịu đựng việc bị hạn chế đi vệ sinh trong thời gian dài nữa: “Chúng tôi bị xâm phạm quyền lợi nhưng không hề biết. Sau đó, vì quá bức xúc, nhiều CN đã ngừng việc phản đối nhiều ngày liền. Nếu CN hiểu luật, chúng tôi đã kiến nghị việc này lên CĐ, lên cơ quan chức năng để giải quyết sự việc ôn hòa hơn. Tuy nhiên, do không hiểu quyền lợi của mình nên chúng tôi đã ngừng việc tự phát”.

“Nhiều anh chị em CN sau khi kích động, lôi kéo những người khác ngừng việc, hoặc có nhiều hành động quá khích, khi được bộ phận chức năng trong Cty mời lên làm việc lại khóc lóc, thú thật là mình không thực sự hiểu các quy định của pháp luật” - ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) - chia sẻ sau một vài vụ ngừng việc diễn ra tại Cty thời gian qua.

Ông Nghiệp ví dụ, khi anh chị em CN ngừng việc nhiều ngày để phản đối Điều 60 Luật BHXH 2014. “Từ một buổi tuyên truyền pháp luật của cơ quan BHXH TPHCM, sau đó, các cán bộ của Cty truyền đạt lại cho anh chị em CN tại xưởng, chuyền của mình. Nhiều người cảm thấy bức xúc, các cán bộ CĐ ở tổ, chuyền, xưởng đã báo cáo sự việc lên Ban Chấp hành CĐ của Cty để có hướng đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều anh chị em CN đã kích động và lôi kéo nhiều người ngừng việc phản đối, trong đó nhiều anh chị em chưa đọc Luật BHXH 2014, chưa đọc Điều 60 mà mới chỉ nghe loáng thoáng đã ngay lập tức ngừng việc nhiều ngày. Anh chị em bức xúc là có lý do, và Chính phủ, Quốc hội sau đó đã lắng nghe các ý kiến của CN, tiếp thu và có điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sau sự việc đó, chúng tôi đã tuyên truyền với anh em rằng, khi một điều khoản hoặc một vấn đề gì có bất lợi cho anh chị em, cho người dân, chúng ta có quyền góp ý, tuy nhiên phải đúng luật. Qua các kiến nghị của anh chị em CN, CĐ tại Cty đã có những ý kiến lên cấp trên để có hướng giải quyết. Việc CN kích động đồng nghiệp ngừng việc, gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, trật tự xã hội và cao hơn là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, công ăn việc làm của chính anh chị em… là điều sai trái, không đúng với quy định của pháp luật” - ông Nghiệp chia sẻ.

Sau sự việc đó, Cty đã làm việc với 200 anh chị em CN, vừa nhắc nhở, vừa tuyên truyền để anh chị em CN hiểu. Gần đây nhất là vụ việc nhiều CN ngừng việc và kích động người khác ngừng việc nhiều ngày để phản đối Dự luật Đặc khu, một nữ CN chia sẻ: “Yêu nước thì ai cũng yêu nước, muốn bày tỏ quan điểm thì có nhiều cách nhưng ngừng việc, đập phá doanh nghiệp là mình đã sai luật và phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đâu có lỗi gì. Thực sự nhiều người chưa hề đọc hoặc không thực sự hiểu quy định của điều khoản trong Dự luật Đặc khu như thế nào nhưng nghe người này người kia nói, họ “đánh” vào lòng yêu nước, thế là ngừng việc, tụ tập xuống đường gây rối trật tự công cộng”.

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM) - trao đổi với công nhân tại một cuộc ngừng việc tập thể.Ảnh: L.T

Cần tập hợp NLĐ để tổ chức tuyên truyền

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm tới 60%. Theo đánh giá, nhìn chung đại bộ phận đoàn viên (ĐV) và người lao động (NLĐ) có tinh thần yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật, tác phong lao động ngày càng được nâng lên, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ NLĐ thiếu tinh thần cầu tiến, chưa có ý thức học tập, ngại khó khăn, thiếu ý thức pháp luật và trách nhiệm công dân, dễ bị lôi kéo kích động gây ra các hành vi trái pháp luật, đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng lực lượng lao động, hoạt động CĐ và mục tiêu phát triển KTXH của tỉnh Đồng Nai.

Theo BQL các KCN tỉnh Đồng Nai, việc thiếu tiếp cận các thông tin về chính trị, KTXH, đồng thời với trình độ dân trí còn thấp nên một bộ phận CNLĐ tại KCN có lập trường tư tưởng chưa vững vàng, thiếu hiểu biết về tình hình chính trị, pháp luật, dễ bị kích động lôi kéo tham gia những việc làm không tốt. Trường hợp xảy ra sự cố nhiều người xuống đường, đập phá các nhà xưởng trên địa bàn Đồng Nai vào tháng 5.2014 là một ví dụ cụ thể, đã gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế, ngoại giao cho đất nước, làm mất đi thiện cảm mà các nhà đầu tư nước ngoài dành cho CN chúng ta.

Một cán bộ CĐCS Cty FDI chia sẻ: “Do lực lượng lao động ngoài tỉnh chiếm 81%, chủ yếu từ các vùng nông thôn trong cả nước, trình độ văn hóa cũng như nhận thức pháp luật nhìn chung còn nhiều sự chênh lệch và hạn chế. Do đặc thù là doanh nghiệp FDI thời gian ưu tiên cho sản xuất đặt lên hàng đầu, cơ sở vật chất xuống cấp nên để tập hợp NLĐ tổ chức tuyên truyền cực kỳ khó”.

LÊ TUYẾT - HÀ ANH CHIẾN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/de-khong-bi-ke-xau-loi-keo-kich-dong-627946.ldo