Để không ai bị bỏ lại trong toàn cầu hóa 4.0

Hôm nay, 22/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Diễn ra trong 3 ngày với chủ đề 'Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư', WEF năm nay hướng đến thảo luận những cách thức để không ai bị bỏ lại trong tiến trình toàn cầu hóa thế hệ mới.

Toàn cầu hóa trong bình đẳng

Người sáng lập và là Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự gián đoạn công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng sự sắp xếp lại địa - kinh tế và các lực lượng địa - chính trị. Theo ông, thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của toàn cầu hóa 4.0 và hoàn toàn không được chuẩn bị để ứng phó với quy mô của những thay đổi sắp tới. Hiện các quốc gia vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề của toàn cầu hóa với một quan điểm lạc hậu và thiếu đồng bộ. Do đó, thế giới phải xác định lại các quy trình và thể chế để có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội ở phía trước, đồng thời tránh xáo trộn.

Có 4 thay đổi diễn ra cùng lúc đang định hình lại toàn cầu hóa bao gồm: Chủ nghĩa đa phương không còn chi phối lãnh đạo kinh tế toàn cầu nữa, thay vào đó là chủ nghĩa đa nguyên; cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; các thách thức sinh thái trong đó điển hình là biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội; Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại các công nghệ với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF năm nay. Dự kiến tại đây, Việt Nam sẽ nhấn mạnh quá trình hội nhập liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là trong triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong bối cảnh đó, toàn cầu hóa mặc dù đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng cũng đã gây ra bất bình đẳng ngày càng giãn rộng. Cùng với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, điều đó có thể khiến kinh tế thế giới “mộng du” vào một cuộc khủng hoảng khác.

Chính vì vậy, WEF năm nay dự kiến sẽ thúc đẩy các chính khách và người đứng đầu doanh nghiệp hướng đến hoàn thiện toàn cầu hóa, để sửa chữa khoảng cách giữa “giai cấp vô sản thế kỷ XXI” chiếm số đông và số ít người được đặc quyền đặc lợi. “Toàn cầu hóa sản sinh ra kẻ thắng, người thua và không có thêm nhiều người thắng nữa trong 24, 25, 30 năm qua, nhưng chúng ta phải chăm sóc những người thua sau khi họ bị bỏ lại phía sau. Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ tư phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững. Toàn cầu hóa cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi, và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ”, ông Schwab nhận định.

Và những mong đợi khác

Về biến đổi khí hậu, sau nhiều năm cảnh báo, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp, chính khách và nhà kinh tế dường như đã nhận ra tính cấp bách của vấn đề này. Vụ cháy rừng ở California, Mỹ, và lụt lội gần đây ở Pháp đã bộc lộ rõ cái giá phải trả về con người và kinh tế của thái độ không hành động. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan đã đứng đầu danh sách những mối hiểm nguy mà kinh tế thế giới đang đối mặt - theo cuộc thăm dò thường niên của WEF về các nguy cơ toàn cầu. Tuy nhiên, các mối quan hệ quốc tế đang ngày càng xấu đi và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng cho thấy càng khó đạt được thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.

Ngoài ra, sức khỏe tâm thần đã được WEF đặt làm đề tài then chốt ở Davos năm nay. WEF 2019 sẽ đề cập những nỗi lo sợ rằng tình trạng trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần đang tăng lên nhưng không hề được đánh giá đúng mức và lưu tâm thích đáng.

Trong khi đó, hy vọng hội nghị ở Davos có thể tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tan thành mây khói khi chủ nhân Nhà Trắng hồi đầu tháng này đã hủy tham dự sự kiện vì Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, đồng thời hủy chuyến đi dự kiến của phái đoàn cấp cao, gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Về phần mình, Phó Chủ tịch Nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ nhấn mạnh về thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra, đồng thời cho biết kinh tế Trung Quốc có tụt dốc nhanh như một số nhà kinh tế e ngại hay không.

Trong khi đó, với việc lần đầu có mặt tại WEF và đại diện cho sự chuyển dịch quan trọng từ chính quyền cánh tả sang cánh hữu tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin, Tổng thống Bolsonaro sẽ thu hút sự chú ý từ báo giới. Được truyền thông Brazil xem là “Donald Trump miền nhiệt đới” trong suốt chiến dịch tranh cử gây chia rẽ sâu sắc, tân Tổng thống 63 tuổi cho biết ông muốn giới thiệu một đất nước Brazil khác tại diễn đàn.

Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/de-khong-ai-bi-bo-lai-trong-toan-cau-hoa-40-19870.html