Để Khánh Hòa giàu từ biển, mạnh từ biển

Từng có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ về công tác biên giới trên bộ, trên biển; tham gia các đoàn đàm phán vạch định biên giới với các quốc gia trong khu vực, hiện nay, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao) tiếp tục có những đóng góp chuyên môn sâu sắc thông qua những buổi nói chuyện, những tập sách đã được xuất bản. Đến tỉnh Khánh Hòa với vai trò cố vấn pháp lý cho Ban tổ chức Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, Tiến sĩ Trần Công Trục đã dành cho Báo Khánh Hòa cuộc trò chuyện liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế biển tại địa phương.

Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ.

Nhiều lợi thế để phát triển

- Tiến sĩ có thể chia sẻ những đánh giá của mình về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa?

- Khánh Hòa có đường bờ biển dài với phong cảnh thiên nhiên rất đẹp để phát triển du lịch biển; có những vũng, vịnh thuận lợi để xây dựng nơi trú đậu tàu thuyền; có vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên sinh vật và tài nguyên không sinh vật. Theo truyền thống, ngư dân Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang khai thác tài nguyên sinh vật; các hoạt động khai thác tài nguyên không sinh vật đang và sẽ được thực hiện để gia tăng nguồn thu phát triển kinh tế. Trong tương lai, nguồn tài nguyên này có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương và đất nước. Theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển kinh tế biển có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng. Trên thực tế, tôi nhận thấy tỉnh Khánh Hòa đã triển khai mạnh mẽ việc khai thác kinh tế biển, đảo. Tôi chưa có đủ số liệu để đánh giá về những việc tỉnh Khánh Hòa đã làm được, nhưng qua quan sát, tôi thấy địa phương đã có bước phát triển khá dài về kinh tế biển, nhất là việc phát triển vịnh Nha Trang trên các lĩnh vực cảnh quan môi trường, cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, đời sống của nhân dân… Điều đó cho thấy những tác động tích cực, những bước tiến mới từ nhu cầu của sự phát triển.

- Vậy, theo Tiến sĩ, trong tiến trình phát triển kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa cần lưu ý đến những vấn đề gì?

- Khánh Hòa có nhiều lợi thế để có thể giàu từ biển, mạnh từ biển so với các địa phương khác trong nước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc khai thác, phát triển kinh tế biển phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường. Nghĩa là phải phát triển kinh tế biển xanh, khai thác các nguồn tài nguyên, nhưng đồng thời phải duy trì các nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau, cho sự phát triển trong tương lai. Khánh Hòa phải phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Muốn vậy, tỉnh cần phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến từng người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ mục tiêu phát triển và ứng xử trên biển phải tuân thủ pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế.

Tầm nhìn hướng biển

- Người dân Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đều có tình yêu đối với biển, đảo quê hương. Trong tình hình mới hiện nay, chúng ta cần phát huy tình yêu đó như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Cảnh vịnh biển Nha Trang. Ảnh: Thiện Tâm

- Lịch sử dân tộc đã chứng minh, người dân Việt Nam luôn sẵn sàng làm hết sức mình để bảo vệ, xây dựng, phát triển biển, đảo của Tổ quốc. Tình yêu biển, đảo đã thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người, nhất là với những người gắn bó với biển, đảo thì tình yêu đó càng mãnh liệt. Nhưng trong tình hình mới hiện nay, chỉ có tình yêu thuần túy thì chưa đủ, chúng ta cần phải yêu biển không chỉ bằng con tim mà còn phải bằng cả lý trí. Trước hết, để hiện thực tình yêu bằng hành động phát triển kinh tế biển bền vững cần có tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo trong việc quản lý, phát triển mang tầm chiến lược. Mỗi cán bộ, công chức cần có sự hiểu biết, kiến thức sâu rộng về biển, đảo, bởi ở trên biển có rất nhiều vấn đề pháp lý đan xen, phức tạp nên cần vốn hiểu biết tổng hợp, đa tầng mới có thể xử lý các vấn đề cụ thể được. Vấn đề thứ hai cần quan tâm là nâng cao hiểu biết cho người dân lao động trực tiếp trên biển, nhất là trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng phó trên biển. Nhìn vào thực tế hoạt động của tỉnh Khánh Hòa, tôi thấy vui khi địa phương đã thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh. Đây là bước đi quan trọng để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn an ninh - quốc phòng vững chắc. Cùng với đó, thực hiện các hoạt động để khẳng định chủ quyền biển, đảo thông qua các thiết chế văn hóa để mọi người hiểu hơn về lịch sử, giá trị to lớn của biển, đảo.

- Tiến sĩ có thể cho biết vai trò của mình trong Festival Biển 2023?

- Khi nhắc tới Festival Biển, tôi rất tâm đắc với việc tỉnh Khánh Hòa tổ chức thành công 10 kỳ lễ hội biển trong suốt 20 năm qua. Đặc biệt, ở kỳ Festival Biển 2023, tôi thấy lãnh đạo tỉnh đã có tầm nhìn mới khi đề cập về biển không chỉ nói vấn đề ven bờ, du lịch mà đã xác định được vị trí quan trọng của biển vào tầm chiến lược. Việc tổ chức Festival Biển một cách công phu, quy mô thể hiện lãnh đạo địa phương mong muốn thông qua đây để nâng cao nhận thức của người dân, khách du lịch, bạn bè trong nước và quốc tế về ý nghĩa pháp lý, tính khoa học trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Tôi rất vinh dự khi được lãnh đạo tỉnh mời làm cố vấn pháp lý cho Ban tổ chức Festival Biển 2023. Như vậy, Festival Biển 2023 không chỉ được nhìn nhận trên khía cạnh văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội… mà còn được nhìn nhận trên khía cạnh pháp lý và tôi giúp cho tỉnh nắm rõ được những vấn đề về pháp lý trong quá trình tổ chức.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

GIANG ĐÌNH (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202306/de-khanh-hoa-giau-tu-bien-manh-tu-bien-fea1fb4/