Để Hội hoạt động thực chất, hiệu quả hơn

Thảo luận tại các trung tâm chiều 11.12, các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển tổ chức Hội và các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.

Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai

Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ. Theo ông Văn, trong bối cảnh các mô hình sản xuất lớn xuất hiện ngày càng nhiều, cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai để nông dân sử dụng hiệu quả hơn.

“Ở nhiều nơi, nông dân đang bỏ ruộng, trên địa bàn Phú Thọ cũng có tình trạng đó, nông dân giờ sang khu vực công nghiệp dịch vụ để làm việc, tuy nhiên đến 35-36 tuổi sẽ bị đào thải. Chính vì vậy, nông dân vẫn chưa muốn bỏ ruộng, để đến lúc mất việc vẫn có thể trở về quê làm ruộng. Nhiều nơi cũng hô hào nông dân bán đứt ruộng cho doanh nghiệp, tuy nhiên nông dân rất băn khoăn về vấn đề này. Chính vì vậy cần thiết phải sửa luật để vừa đảm bảo quá trình tích tụ ruộng đất, vừa bảo vệ được quyền lợi của nông dân” – ông Văn nói.

Đây cũng là ý kiến của đại diện Hội ND tỉnh Phú Yên, cho rằng hạn điền trong Luật Đất đai 2013 gây khó khăn cho nông dân tích tụ ruộng đất và sản xuất có hiệu quả. Do vậy cần sửa đổi Luật Đất đai để vấn đề hạn điền thuận lợi hơn cho nông dân, cho sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Trương Anh Dũng (Bộ LĐTBXH) phát biểu thảo luận chiều 11.12. Ảnh: Lê Hiếu

Băn khoăn một số chỉ tiêu

Thảo luận, góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Đỗ Đức Hòa - Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng cho biết, hiện nay việc kiểm tra thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương còn chưa sát, có thời điểm đoàn kiểm tra xong về không có phản hồi lại cho địa phương khiến các cán bộ hội lúng túng không biết thế nào để thực hiện, có thiếu sót gì cần sửa đổi, rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, ông Châu Văn Tiến - Chủ tịch Hội ND Hậu Giang, cho rằng, về các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới 2018-2023, trong chỉ tiêu 11, có 100% cơ sở hội làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xây dựng được ít nhất 1 mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu 5 năm mà chỉ xây dựng được ít nhất 1 mô hình về bảo vệ môi trường là quá ít. Vì vậy, ông Tiến đề nghị sửa lại tối thiểu mỗi năm có ít nhất 1 mô hình.

Theo ông Nguyễn Công Thao- Phó Chủ tịch Hội ND Bắc Ninh, về chỉ tiêu số 3, ít nhất từ 30% cán bộ chuyên trách Hội ND cấp huyện trở lên biết sử dụng 1 ngoại ngữ trong giao tiếp là khó thực hiện được. Ngay tỉnh Bắc Ninh cũng rất khuyến khích các cán bộ trẻ về làm việc tại hội, các cơ sở hội, các cán bộ trẻ có trình độ ngoại ngữ tương đối khá. Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ trẻ về làm việc rất khó, vậy nên để thực hiện được tiêu chí này là không hề đơn giản.

Ông Phạm Đăng Bốn - đoàn đại biểu Hội ND Lào Cai nhấn mạnh: “Chỉ tiêu số 13 về 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là chỉ tiêu cao, nên điều chỉnh xuống 90% là hợp lý. Giải pháp để thực hiện điều này là nên lựa chọn các thành viên đã tham gia BHXH để vận động các hội viên khác, bởi chỉ những người tham gia mới hiểu được ý nghĩa của việc này”.

Hỗ trợ nông dân nhiều hơn, hiệu quả hơn

Góp ý về việc quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các đại biểu kiến nghị nên tổ chức bàn sâu để nhận thức các

Tôi cho rằng, văn kiện phải sửa lại cho phù hợp hơn, thay vì các chỉ tiêu yêu cầu đạt 100% thì nên sửa lại là các chi, tổ hội, hội phấn đấu đạt 100% sẽ hợp lý và dễ thực hiện hơn".
Đại biểu Trần Văn Trạch - Chủ tịch Hội ND Vĩnh Long

cán bộ rõ hơn. Nhiều địa phương đề nghị giảm lãi suất, T.Ư cần tổng kết thống kê lại bao nhiêu tỉnh đề nghị giữ lãi suất, đề nghị giảm lãi suất...

Đại biểu Trần Văn Trạch đề nghị Hội cần thành lập một ngân hàng, có thể ở dạng thu nhỏ để quản lý và vận hành Quỹ HTND cho hiểu quả và tránh thất thoát. "Cùng với đó, ở địa phương cần bổ sung thêm cán bộ chuyên trách để quản lý, vận hành Quỹ HTND cho hiệu quả, chứ như hiện nay ở Vĩnh Long chỉ có 3 cán bộ Hội mà lo đủ mọi việc nên việc quản lý quỹ này gặp nhiều khó khăn" - ông Trạch kiến nghị.

Ông Đinh Duy Sung- Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND bình quân tăng 10%/năm trở lên, có 100% cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ HTND là rất khó, cần tính toán lại. “Quảng Ngãi có 6 tỉnh miền núi nghèo khó, việc tăng trưởng quỹ hàng năm không biết làm cách nào. Bên cạnh đó, cần tính toán lại cơ chế hỗ trợ nông dân như thế nào cho hiệu quả hơn” – ông Sung bày tỏ.

Ông Cao Văn Chỉ - Chủ tịch Hội ND huyện Văn Yên (Yên Bái) cho rằng: Về Quỹ HTND, cơ chế hỗ trợ từng tỉnh khác nhau. Đề nghị T.Ư Hội đề xuất Chính phủ có chính sách cấp nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh nghèo để có thể bắt kịp các tỉnh khá hơn. Nếu các tỉnh nghèo không được hỗ trợ thì nông dân sẽ cảm thấy thiệt thòi.

Nhiều ý kiến tại đại hội cũng mong muốn các cấp Hội ND tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất. Theo ông Cao Văn Chỉ, sản xuất nông nghiệp rủi ro rất cao, trong đó có ảnh hưởng từ hàng giả hàng nhái. Để bảo vệ lợi ích hội viên, các cấp Hội cần tham gia quản lý tốt đầu vào vật tư nông nghiệp, tránh những tổn thất cho nông dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Hội ND tỉnh Thái Nguyên mong muốn Hội có nhiều hơn nữa các chương trình hoạt động để gắn kết hội viên nông dân. Phải có thêm hoạt động thiết thực, giúp đỡ trực tiếp đến người nông dân hơn để giúp cho nông dân thấy được quyền và lợi ích của mình trong tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN:
Hội làm “trọng tài” kết nối doanh nghiệp - nông dân
Trong báo cáo chính trị trình Đại hội VII, ngoài xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội NDVN phải xác định các khâu đột phá. Những hạn chế hiện nay trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta đã biết nhưng vì sao hạn chế? Các chính sách ban hành hiện nay đã giải quyết được mức độ nào? Vai trò của Hội ND ở đây là khâu nào? Hội phải phối hợp với Chính phủ và chính quyền các cấp giải quyết, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc về thể chế.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân cần phải mang tính pháp lý. Cụ thể, Hội phải đứng ra làm “trọng tài” để giải quyết vấn đề tiêu dùng, hợp tác và kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp… Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng hội viên, ND; tư tưởng “tri thức hóa” nông dân nghĩa là hội viên ND nhận thức được mình sẽ có lợi ích gì trong chuỗi kết nối nông sản.

Nhóm P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/de-hoi-hoat-dong-thuc-chat-hieu-qua-hon-938422.html