Để Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn
Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Với sự lan tỏa trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung của Trung ương và của cấp ủy đảng cùng cấp, hoạt động của HĐND các địa phương tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả.
Có thể thấy, các phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trở nên đa dạng hơn, không chỉ đơn thuần là thực hiện việc giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp như trước đây mà còn chú trọng đến hoạt động chất vấn và giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân quận giữa các kỳ họp, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân quận.
Chủ động xây dựng và triển khai các đề án hoạt động bám sát đặc thù địa phương
Trao đổi với cử tri Đinh Tiên Hường - Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 15 phường Xuân La, quận Tây Hồ, ông cho biết: “Phải ghi nhận rằng trong những năm qua, với rất nhiều thách thức, như dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, những biến động về kinh tế, chính trị toàn cầu ảnh hưởng đến nước ta khiến cho khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã khơi dậy và phát huy được tiềm lực chính trị địa phương".
Cụ thể hơn, theo cử tri Đinh Tiên Hường, chất lượng hoạt động giám sát của các cấp Hội đồng nhân dân về nhiều vấn đề gây nhức nhối trên địa bàn như công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị (nhất là đất nông nghiệp, đất công, đất xen kẹt...), các dự án lớn ảnh hưởng đời sống dân sinh, gây tắc nghẽn giao thông…đã được nâng cao.
Đồng tình với ý kiến này, cử tri Đinh Quốc Phòng tại phường Cát Linh, quận Đống Đa đánh giá, việc lựa chọn đúng những vấn đề “thời sự”, quan trọng, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm, đặc biệt là các vấn đề dân sinh cấp bách để tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình được Hội đồng nhân dân các cấp chủ động thực hiện.
Để có sự chuyển biến này, công tác đóng góp ý kiến và nâng cao chất lượng giám sát xử lý kiến nghị của các cấp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được triển khai và nâng cao một cách bài bản, rõ rệt.
Cụ thể, ngay sau khi có Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã rà soát nghiên cứu và ban hành quy định về quy trình tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là những quy trình mang tính bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố.
Đề án số 15-ĐA/TU (ngày 12/5/2022) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội" cũng đã được ra đời với mục đích giúp Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 khi triển khai được hiệu quả và bám sát tình hình thực tế.
Với 5 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu, 7 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Đề án 15 là nội dung rất quan trọng, là cơ sở chính trị, động lực để Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hơn.
Sau một năm thực hiện Đề án 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, có thể thấy, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều sự đổi mới, nhất là trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, công tác tổ chức, cán bộ được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên.
Để có sự chuyển biến này, các Hội đồng nhân dân cấp quận cũng đã chủ động xây dựng và triển khai đồng thời các đề án hoạt động để Nghị quyết số 594 khi triển khai có thể bám sát hơn nữa với tính chất đặc thù của từng địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án số 58 của Thường trực Hội đồng nhân dân quận về “Nâng cao năng lực đại biểu Hội đồng nhân dân quận Đống Đa khóa 20, nhiệm kỳ 2021-2026 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đề án trên và các kế hoạch cụ thể đi kèm, có thể nói năm 2023 hoạt động của Hội đồng nhân dân quận đã có sự cải tiến và nâng cao chất lượng một cách hiệu quả rõ rệt”.
Tại quận Tây Hồ, đề án số 17-ĐA/QUTH ngày 31/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân quận giai đoạn 2021- 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại quận Tây Hồ” cũng được ban hành để tổ chức thực hiện và triển khai toàn diện trên địa bàn quận.
Đề án này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng nhân dân quận như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân quận, với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể; tăng cường số lượng chuyên trách cơ quan Hội đồng nhân dân quận, quy định số lượng tối thiểu việc thực hiện giám sát chuyên đề hàng năm của Hội đồng nhân dân các cấp, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân…
Công tác giám sát chuyển biến mạnh mẽ khi có “hành lang” từ Nghị quyết
Bà Nguyễn Thị Phương Chung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Từ khi nghị quyết 594 ra đời, rõ ràng có sự chuyển biến rất lớn trong việc thực hiện giám sát của Hội đồng nhân dân. Từ phương thức hoạt động, cách thức thực hiện, có thể thấy là quy trình thủ tục đã được nêu cụ thể, chặt chẽ, đồng thời cũng nâng cao được trách nhiệm của chủ thể giám sát”.
Năm 2023, Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm đã giám sát trực tiếp tại 54 lượt đơn vị, giám sát thông qua xem xét báo cáo của 171 lượt đơn vị.
Quy trình tổ chức các hoạt động giám sát cũng được thực hiện bài bản, cụ thể hơn, từ khâu lựa chọn nội dung đến ban hành quyết định giám sát, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát và theo dõi đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Kết quả cho thấy, nhiều nội dung, vấn đề đã tồn tại nhiều năm, thậm chí đã được giám sát nhưng chậm chuyển biến, được thẳng thắn chỉ ra và tái giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hiệu quả.
Năm 2023, sau khi thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, tỷ lệ thực hiện xong kiến nghị của các đơn vị tại quận Hoàn Kiếm tăng 11% so năm 2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng chia sẻ, trước đây, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu luôn là khâu yếu, nhưng với việc quy định cụ thể tại Nghị quyết số 594 về trách nhiệm của Tổ trưởng, thành viên Tổ đại biểu khi thực hiện hoạt động giám sát, đến nay điểm yếu này đã phần nào được khắc phục.
Hằng năm các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm đã tổ chức ít nhất từ một đến hai cuộc giám sát tại các phường thuộc đơn vị bầu cử. Kết thúc mỗi đợt giám sát, các chủ thể giám sát đều ban hành các kết luận, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém; đưa ra những kiến nghị và đề nghị các đơn vị khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Mặc dù số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ giảm, nhưng chất lượng hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân quận và các đại biểu Hội đồng nhân dân không ngừng được nâng cao. Những băn khoăn về “khoảng trống” khi không còn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường, khi đó cử tri, người dân và các cấp chính quyền sẽ “xa cách” cũng được xóa bỏ.
Cử tri Vũ Thanh Liêm - Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 9, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ nhận định, hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân các cấp được tăng cường, trong đó hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân chặt chẽ hơn. Mặc dù "lược bớt" một cấp Hội đồng nhân dân tại phường, nhưng hiện nay cử tri lại được tham gia các hội nghị, kỳ họp trực tuyến cấp quận, cấp thành phố và trực tiếp đưa ra ý kiến. Qua các dịp như vậy, các cấp có thẩm quyền sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có phương án giải quyết kịp thời.
“Các phiên chất vấn tại kỳ họp được Hội đồng nhân dân quận tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, tới nhiều điểm cầu cấp phường, để đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Tại đây, người dân cũng có cơ hội được trao đổi thẳng thắn, đưa ra ý kiến trực tiếp, thông tin sẽ không bị “nghẽn” ở đâu cả”, Bà Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ chia sẻ, Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ đã nghiên cứu, tổ chức triển khai, đổi mới cách thức thực hiện các hoạt động giám sát và đã đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2023.
Năm 2023, hoạt động của Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ đã góp phần tích cực trong việc đưa quận Tây Hồ hoàn thành 21/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch năm 2023.
Giám sát đi tới cùng vấn đề, nâng cao hiệu lực, hiệu quả Hội đồng nhân dân các cấp
Nhờ “hành lang” từ Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện linh hoạt, với nhiều cách thức thực hiện như: kết hợp giám sát trực tiếp, giám sát qua báo cáo, giám sát kết hợp với khảo sát thực tế; tăng cường giám sát trực tiếp tại cơ sở…
Theo đánh giá của cử tri, nhờ "đa dạng hóa" cách thức giám sát của Hội đồng nhân dân nên nhiều vấn đề khó, tồn tại và phát sinh trong cuộc sống như kinh tế, giao thông hay các vấn đề gây nhiều bức xúc như xây dựng, đất đai...được bám sát và đôn đốc, nâng cao tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri.
Khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ra đời đã quy định cụ thể tiêu chí để Hội đồng nhân dân các cấp giám sát những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, thi hành pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng… Điều này mang ý nghĩa rất quan trọng để giúp cho Hội đồng nhân dân các cấp có thêm cơ sở, căn cứ cụ thể để lựa chọn những vấn đề giám sát phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề mà dư luận xã hội, đại biểu và cử tri của quận quan tâm.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã chỉ đạo nâng cao chất lượng trong việc ban hành các báo cáo giám sát theo hướng chỉ rõ tồn tại hạn chế gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, đơn vị; các yêu cầu, kiến nghị đối với các đối tượng giám sát phải cụ thể, gắn với tiến độ thực hiện; đối với các kết luận chất vấn, giải trình cần phải rõ trách nhiệm gắn với cam kết, tiến độ khắc phục của người được chất vấn, giải trình.
Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ra đời đã quy định cụ thể tiêu chí để Hội đồng nhân dân các cấp giám sát những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng -an ninh, thi hành pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng...
Với phương châm giám sát đi tới cùng vấn đề, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã giao các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện theo dõi, đôn đốc theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, trên cơ sở đó tổng hợp kết quả thực hiện các yêu cầu, kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình.
Đối với những nội dung chậm thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả sẽ thực hiện tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố.
Kế thừa những kết quả đạt được, trong năm 2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh đã thực hiện, tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình những vấn đề dân sinh, bức xúc; đồng thời tập trung rà soát, đánh giá, đôn đốc, giám sát và tái giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, chất vấn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu để giải quyết nguyện vọng chính đáng của công dân.