Để Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học của quốc gia

Những năm trước, việc thu hút các dự án FDI vào Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc tương đối ít ỏi thì năm 2017 được coi là điểm sáng trong thu hút đầu tư với nhiều dự án quy mô nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm; cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho các nhà đầu tư chưa thật hấp dẫn đang gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của nơi đây.

Đã xuất hiện những "ông lớn" công nghệ

Tính đến hết năm 2017, Khu CNC Hòa Lạc đã có 81 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358ha. Tiêu biểu là Dự án “Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam” của Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư đăng ký 4.530 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công xây dựng và dự kiến đến tháng 4-2018, nhà máy đầu tiên của Hanwha Techwin sẽ đi vào hoạt động. Cùng với đó, Ban quản lý (BQL) cũng tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư của một số công ty tiềm năng trong nước, như: Dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; dự án của Công ty ETC Holding với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng…

Nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, định hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, BQL bước đầu triển khai các hoạt động về giới thiệu, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và ươm tạo 30 nhóm khởi nghiệp, trong đó 7 nhóm đã tốt nghiệp... Trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn lớn, như: Viettel, Nissan, FPT đã nghiên cứu ra nhiều công nghệ và giải pháp phục vụ phát triển những sản phẩm chiến lược của các tập đoàn này. Trường Đại học FPT hiện đào tạo khoảng 4.000 sinh viên công nghệ thông tin, trong đó năm 2016 khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ có việc làm đạt 96% sau 12 tháng ra trường. Việc có sự tham gia đầu tư của các trường đại học và cơ sở nghiên cứu bước đầu góp phần xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng và cả nước nói chung.

Kỹ thuật viên làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ, Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: MAI HÀ.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, Trưởng BQL Khu CNC Hòa Lạc: 5 yếu tố để Khu CNC Hòa Lạc thành công, là: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng, cơ chế, đầu tư và nhân lực. Hiện tại, 5 yếu tố này dần được hình thành và năm 2018, Khu CNC Hòa Lạc tập trung vào phát triển tiềm lực KH&CN và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng khẳng định, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đặt tiêu chí rõ ràng để bảo đảm Hòa Lạc là điểm đến của CNC chứ không phải là khu công nghiệp thông thường.

Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Khu CNC Hòa Lạc cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và phát triển. Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Hiện Khu CNC Hòa Lạc không chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28-8-2003 của Chính phủ về quy chế khu CNC mà còn chịu sự điều chỉnh của các luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… Một số điểm tại các luật này chưa phù hợp với thực tế về mô hình, tính chất của khu CNC; cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho các nhà đầu tư chưa cụ thể; thiếu nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, các chính sách ưu đãi không nhiều nổi trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí, quy định đặc biệt hơn về CNC. Đồng thời, chưa có nhiều cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc.

Khó khăn nữa là Khu CNC Hòa Lạc có diện tích phải thu hồi tương đối lớn (1.586ha), thuộc địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai được thực hiện trong thời gian dài (từ năm 2002). BQL gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, vốn... trong quá trình GPMB. Thứ trưởng Phạm Đại Dương lý giải: Nếu như những năm trước, để GPMB 200ha cần chi phí khoảng 60 tỷ đồng thì nay con số đó là 2.000 tỷ đồng. Thực tế trên cho thấy, không thể cấp vốn GPMB theo dạng dự án thông thường mà cần tính đến yếu tố thời điểm để tránh lãng phí. Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hiện mới chỉ đáp ứng 42,19% tổng nhu cầu vốn. Với những khó khăn trên, mục tiêu hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho Khu CNC Hòa Lạc vào năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP là hết sức khó khăn.

Mới đây, tại buổi làm việc với BQL Khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để khu CNC phát triển đồng bộ, nhanh chóng hơn, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP về Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành những thông tư liên quan để tạo điều kiện cho Khu CNC Hòa Lạc phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, về nguồn vốn GPMB, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để xử lý cho khu CNC. Trước mắt, TP Hà Nội ứng vốn để giải phóng dứt điểm mặt bằng.

LA DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-hoa-lac-tro-thanh-thanh-pho-khoa-hoc-cua-quoc-gia-533600