Để hỗ trợ UAV, Mỹ phát triển cả tàu chiến không người lái

Theo tờ Popular Mechanics, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đang thử nghiệm sử dụng những tàu mặt nước tự động có khả năng mang máy bay không người lái (UAV) nhằm hỗ trợ hỏa lực trong các chiến dịch đổ bộ.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã phê duyệt tập đoàn đóng tàu Metal Shark (có trụ sở tại Louisiana) là nhà thầu chính của dự án tàu mặt nước không người lái này. Lực lượng này còn có kế hoạch trang bị bổ sung một loại đạn dược tân tiến và hỏa lực trên mỗi module tàu đổ bộ tương lai.

Mỗi con tàu này sẽ hoạt động như một cứ điểm hỗ trợ hỏa lực di động, phục vụ các tình huống khẩn cấp và sẵn sàng tung các UAV đi tác chiến.

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong cuộc tập trận tại căn cứ Thủy quân lục chiến Hawaii, tháng 5/2020. (Nguồn: US Marine Corps)

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong cuộc tập trận tại căn cứ Thủy quân lục chiến Hawaii, tháng 5/2020. (Nguồn: US Marine Corps)

Theo Naval News, Metal Shark đã mời nhà phát triển công nghệ tự hành Spatial Integrated Systems (SIS) cung cấp giải pháp Hệ thống tự chủ cho Tàu mặt nước không người lái tầm xa (LRUSV).

Dự án này sẽ mở ra một kỷ nguyên công nghệ hải quân mới đồng thời tăng sức mạnh sát thương của Thủy quân lục chiến Mỹ. Quân đội nước này đã phác họa một mạng lưới các tàu không người lái để vận chuyển những “quả bom UAV di động” tấn công các mục tiêu cả trên biển và đất liền.

Hệ thống tự chủ cho Tàu mặt nước không người lái tầm xa (LRUSV)

Theo hợp đồng thầu, công ty Metal Shark sẽ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, triển khai các module tàu, xử lý việc tích hợp hệ thống quản trị tự động và bộ phần mềm Chỉ huy và Kiểm soát tiên tiến.

Metal Shark cũng sẽ sản xuất các tàu hỗ trợ có người lái sử dụng hệ thống LRUSV trên nền tảng tàu tuần tra quân sự 40 Defiant mà công ty này đang sản xuất, nhằm xây dựng hạm đội tàu tuần tra “40 PB” mới của Hải quân Mỹ.

Giám đốc điều hành Metal Shark - ông Chris Allard cho biết, hệ thống LRUSV sẽ mở ra kỷ nguyên công nghệ hải chiến mới, đồng thời nâng cao khả năng tấn công của các lực lượng Mỹ một cách hiệu quả.

Chương trình LRUSV đại diện cho cột mốc quan trọng của công nghệ tự hành, quốc phòng và cho toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu mặt nước chuyên dụng cao. Đây cũng là thành tựu tân tiến nhất của bộ phận phát triển tàu đổ bộ tự hành Sharktech (công ty con thuộc sở hữu của Metal Shark, ra đời vào năm 2018 và đặc biệt tập trung vào mảng nghiên cứu và phát triển công nghệ tàu không người lái).

"Chương trình LRUSV đại diện cho cột mốc quan trọng của công nghệ tự hành, quốc phòng và cho toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu mặt nước chuyên dụng cao. Đây cũng là thành tựu tân tiến nhất của bộ phận phát triển tàu đổ bộ tự hành Sharktech".

Vào tháng 9 năm ngoái, có thông tin cho rằng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã lựa chọn một tàu thử nghiệm Sharktech dài khoảng 9m. Cho đến nay Metal Shark đã thiết kế, chế tạo và chuyển giao hơn 400 tàu tự hành và tàu quản lí từ xa.

Sẵn sàng cho các cuộc hải chiến

Trước tình hình cắt giảm chi tiêu quân sự lớn như hiện nay, Thủy quân lục chiến Mỹ đang tái định hình chính sách hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kể từ năm 2001, Thủy quân lục chiến đã đóng vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt của Mỹ tại các chiến trường Afghanistan, Iraq, tổ chức các lực lượng đặc nhiệm ứng phó với khủng bố nhưng vẫn bám sát sứ mệnh tấn công đổ bộ quy mô lớn.

Tư lệnh Thủy quân lục chiến - tướng David Berger đã lập kế hoạch định hướng và đưa ra tầm nhìn nổi bật cho quân đội Mỹ theo góc nhìn đa chiều về chiến thuật.

Theo Tư lệnh Berger, khả năng tranh chấp của các đối thủ trong tương lai ngày càng cao và thậm chí linh hoạt thay đổi cách tiếp cận bằng con đường hàng hải, nơi Mỹ từ lâu đã nắm giữ ưu thế ở nhiều nơi trên thế giới.

Do đó, Thủy quân lục chiến Mỹ cần vận động để thích nghi trong trường hợp các cuộc hải chiến nổ ra. Lực lượng này sẽ dần “cho nghỉ hưu” các đơn vị xe tăng đã đồng hành trong suốt gần 100 năm qua, cũng như cắt giảm một số loại pháo ống và các đơn vị không quân không cần thiết.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã sử dụng phương pháp hỗ trợ hỏa lực hiện đại khi tích hợp chúng lên các tàu đổ bộ có thể vòng dễ dàng chạy quanh những khu vực nhiều đảo nhỏ. Trước đây, một thiết giáp hạm đổ bộ thuộc lớp Iowa của Hải quân Mỹ sẽ được trang bị những khẩu pháo 400 li. Bây giờ, tất cả đều hướng về phương án sử dụng máy bay không người lái.

Khi Thủy quân lục chiến tấn công, các hệ thống LRUSV sẽ phóng đạn (do UAV vận chuyển) đến các mục tiêu đóng quân trên các đảo. Binh sĩ tiến công sẽ báo cáo vị trí của kẻ thù, yêu cầu mệnh lệnh tấn công bằng UAV nếu cần.

Đặc biệt, máy bay không người lái cũng sẽ được trang bị công nghệ nhận diện “bạn hay thù” để tránh thương vong và thiệt hại.

(theo Asia Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-ho-tro-uav-my-phat-trien-ca-tau-chien-khong-nguoi-lai-136579.html