Để hộ kinh doanh mạnh dạn lên doanh nghiệp

Chuyển đổi hộ kinh doanh (HKD) lên doanh nghiệp (DN) là chủ trương vừa có lợi cho DN chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Có thể thấy rõ, sau khi chuyển đổi, DN sẽ dễ dàng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hơn. Đồng thời, khi có tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn; dễ tiếp cận với nguồn vốn hay huy động vốn để phát triển quy mô và hơn hết dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có nhiều cơ hội liên doanh liên kết hơn…

Cần trợ lực để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang loại hình doanh nghiệp.

Cần trợ lực để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang loại hình doanh nghiệp.

Để khuyến khích và hỗ trợ các HKD cá thể chuyển đổi thành DN, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên. Điển hình, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cụ thể, DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ HKD được hưởng một số ưu đãi: miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Thời gian qua, các Cục Thuế trong cả nước tiến hành rà soát, xác định đối tượng thực hiện vận động chuyển đổi, giao chỉ tiêu cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền vận động… Song, câu chuyện “lên” DN của các HKD chưa bao giờ dễ dàng. Tại Cần Thơ, thành phố đã tổ chức rà soát, xác định các đối tượng vận động chuyển đổi sang loại hình DN để phấn đấu đến năm 2020, vận động 1.400 hộ sản xuất kinh doanh chuyển sang loại hình DN. Trong đó, năm 2017 chuyển đổi 210 hộ, năm 2018 là 390 hộ, năm 2019 là 390 hộ và năm 2020 là 410 hộ. Năm 2019, ngành Thuế thành phố vận động số hộ chuyển lên DN là 67/390 hộ, đạt 17,18%. Lũy kế từ năm 2017 đến cuối 2019, số hộ chuyển lên DN là 289 hộ. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên cả nước.

Theo ông Trần Minh Công, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, qua thực tế vận động tại cơ sở thì HKD mong muốn nộp thuế theo hình thức khoán thuế và nộp thuế hằng tháng như trước đây. HKD đa phần là hộ nhỏ, số hộ đủ tiêu chuẩn chuyển lên DN khá ít. Các HKD còn tâm lý lo ngại khi lên DN phải thuê kế toán tốn thêm chi phí, phải lập và giữ hóa đơn, sổ sách…

Thực tế cho thấy, phần lớn các HKD vẫn chưa “mặn mà” với việc chuyển đổi. Nguyên nhân cơ bản là nhiều HKD còn “ngại chuyển đổi”, chưa hiểu rõ được những lợi ích của việc chuyển đổi; chưa tận dụng được hết các ưu đãi hỗ trợ từ chính sách và vẫn còn những vướng mắc, khó khăn khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy các HKD mạnh dạn chuyển đổi thành DN. Nhiều ý kiến cho rằng: Cần tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN mới chuyển đổi từ HKD về đầu tư, về thuế, về tín dụng. Đồng thời, hỗ trợ các HKD tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất phù hợp để họ mở rộng sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải cách hành chính, dịch vụ công đối với DN mới chuyển đổi từ HKD theo hướng thực sự linh hoạt và đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo tính tuân thủ pháp luật…

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/de-ho-kinh-doanh-manh-dan-len-doanh-nghiep-a119322.html