Để hiện thực một Sầm Sơn bốn mùa

Yếu tố mùa vụ cũng như việc thiếu sản phẩm du lịch chủ lực đã gián tiếp tạo ra một thị trường du lịch thiếu ổn định và không lành mạnh.

(Ảnh minh họa)

Thông thường ở những khu, điểm du lịch chịu sự chi phối của mùa, vụ, nhiều người thường có suy nghĩ tìm mọi cách để tăng thu nhập trong mùa du lịch nhằm trang trải cuộc sống cả năm, khiến họ có những việc làm tiêu cực.

Sự hạn chế này cần phải chấm dứt để du lịch thực sự tạo ra hình ảnh đẹp, động lực thu hút và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Quyết tâm này đã được người đứng đầu thành phố du lịch Sầm Sơn cho thấy trong tham luận của mình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Bí thư Thành ủy Sầm Sơn, Lương Tất Thắng, giai đoạn 2016-2020 thành phố ước đón 22,53 triệu lượt khách, chiếm trên 50% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh. Hoạt động du lịch của thành phố đã có những đổi mới, từ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đến tổ chức thực hiện.

Thành phố cũng tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn, những lễ hội mới, đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn, như Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội Carnival đường phố...

Những sự kiện này đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hình ảnh mới, tăng sức hấp dẫn cho đô thị du lịch biển. Tuy nhiên, những hoạt động giàu tính giải trí chủ yếu lại diễn ra trong mùa du lịch biển. Những tháng còn lại trong năm chưa có hoạt động nào thực sự tạo được dấu ấn thu hút du khách.

Năm 2017, Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam. Mới đây một dự án du lịch có giá trị lên tới tỷ đô đã được doanh nghiệp đầu tư vào Sầm Sơn, hứa hẹn về một điểm đến hấp dẫn hơn từ cơ sở hạ tầng du lịch.

Để du lịch Sầm Sơn phát triển hơn, bên cạnh đầu tư nguồn lực vật chất, cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là tư duy phải theo kịp sự phát triển.

Trên cơ sở Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu thực tế, Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở vật chất, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch.

Đặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển du lịch. Phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Đa dạng các sản phẩm du lịch cùng với thay đổi lề lối, tác phong trong kinh doanh du lịch của người dân, chắc chắn Sầm Sơn không chỉ là thành phố du lịch biển, mà còn phải là thành phố của các chương trình nghệ thuật, lễ hội cả truyền thống và hiện đại quanh năm, góp phần đưa Sầm Sơn trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tập huấn thể thao chất lượng.

Đây là điều được nhiều lãnh đạo Sầm Sơn trăn trở, tuy nhiên do còn thiếu nguồn lực đáp ứng cũng như tư duy của người dân chưa theo kịp yêu cầu, nên chưa thể hiện thực.

Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định phát triển du lịch là mũi nhọn, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực trong đó có trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, chính là cơ sở để thành phố hiện thực khát vọng của mình, hướng tới một thành phố du lịch quanh năm. Vấn đề còn lại chính là quyết tâm và cách làm của lãnh đạo và người dân thành phố.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/de-hien-thuc-mot-sam-son-bon-mua/127138.htm