De Heus trong cuộc cách mạng thay đổi tư duy nông nghiệp

Giải pháp công nghệ 4.0 đang là hướng đi tất yếu của đa số các doanh nghiệp lớn hiện nay. Tuy nhiên, đối với De Heus cách mạng 4.0 trong phát triển chăn nuôi không đơn thuần là một cuộc cách mạng về công nghệ máy móc mà còn là một cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

Trong giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi vừa qua, De Heus nổi lên là một doanh nghiệp phát triển ổn định nhờ áp dụng công nghệ cao và khép kín chuỗi giá trị từ cung cấp cho thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y, giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho đến thực phẩm sạch, chất lượng cao trên thị trường.

Hệ thống Silo và máng ăn tự động đều được kiểm soát bằng công nghệ hiện đại của De Heus đã giúp cho người chăn nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Không như nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến từ các nước châu Âu, Tập đoàn gia đình De Heus của hoàng gia Hà Lan đã chọn Việt Nam đặt trụ sở chính để làm bệ phóng phát triển sản phẩm ra các nước khác trong khu vực châu Á. Và hơn 10 năm hiện diện tại Việt Nam, lựa chọn này của De Heus đã và đang gặt hái được nhiều thành công trong chiến lược phát triển kinh doanh tại nhiều thị trường mới ở châu Á như Indonesia, Bangladesh, Phillipines… thông qua các sản phẩm nhập khẩu và sản xuất tại Ấn Độ và Campuchia.

Việt Nam và Myanmar được xác định là hai thị trường trọng điểm tại châu Á mà De Heus đã phát triển thành công và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc. Cụ thể, gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2008 thì ngay trong năm đầu tiên 2009 De Heus đã đạt được sản lượng 30.000 tấn. Đến năm 2014, De Heus chinh phục cột mốc sản lượng 500.000 tấn thức ăn hoàn toàn được sản xuất bởi các nhà máy Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho một cột mốc khác lớn hơn vào năm 2016 với sản lượng hơn 1.000.000 tấn. Trong bối cảnh thị trường năm 2017 trải qua nhiều khó khăn và thử thách, De Heus vẫn đạt mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Bước vào năm 2018, De Heus hướng đến một mục tiêu tăng trưởng mới, chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động kinh doanh sôi nổi của mảng trang trại sản xuất trực tiếp.

Riêng thị trường Myanmar, De Heus bắt đầu sự hiện diện của mình bằng các sản phẩm thức ăn nhập khẩu. Và trong hai năm đầu tiên (năm 2016 - 2017) chính thức gia nhập thị trường này, De Heus đã triển khai sản xuất nội địa hoàn toàn. De Heus đạt 100.000 tấn thức ăn được sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Myanmar vào năm 2017 và đang hướng đến mục tiêu tăng sản lượng mạnh mẽ hơn trong năm nay với tổng sản lượng ước đạt 180.000 – 200.000 tấn…

Đến thời điểm hiện tại có thể nói, thành công của De Heus phần lớn là nhờ sớm đón được làn sóng công nghệ cao trong chăn nuôi để làm chủ hoàn toàn chuỗi giá trị “từ trang trại đến bàn ăn”. De Heus phát triển chuỗi liên kết với các trang trại thông qua mô hình De Heus - Con giống - Trang trại - Giết mổ - Phân phối để tạo thành một chuỗi khép kín. Tuy nhiên để phát triển được chuỗi liên kết khép kín như hiện nay, De Heus đã phải vận dụng nhiều chính sách để tất cả các đối tác cùng hưởng ứng tham gia, chấp nhận thay đổi tư duy quản lý và đầu tư ứng dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay vào sản xuất nông nghiệp.

Tập đoàn gia đình De Heus của hoàng gia Hà Lan chọn Việt Nam đặt trụ sở chính để phát triển ra toàn khu vực châu Á.

Chính sự vận dụng triệt để công nghệ 4.0 trong thời gian qua đã giúp De Heus tiết kiệm được nhiều chi phí và tạo ra sức mạnh mới, giúp thay đổi tư duy trong chăn nuôi hiện nay. Với những phòng Lab hiện đại, De Heus kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra. Cùng với thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu, tất cả các sản phẩm do De Heus sản xuất ra luôn ổn định và tạo ra sản phẩm có giá thành tốt nhất cho người chăn nuôi.

Hiện De Heus cùng các trang trại đã và đang vận hành các thiết bị tự động hóa trong chăn nuôi. Ông Lê Thành Ánh - Giám đốc kinh doanh của De Heus cho biết, hai vấn đề cốt lõi mà De Heus và trang trại đang vận hành là cùng nhau xây dựng hệ thống Silo và máng ăn tự động đến từng vật nuôi. Trong đó De Heus giữ vai trò huấn luyện, hỗ trợ người chăn nuôi cài đặt phần mềm quản lý trang trại. Với các dữ liệu được xử lý tự động hóa bằng máy tính và internet giúp cho chủ trang trại kiểm soát được thành quả chăn nuôi của mình bất cứ nơi đâu mà không cần phải trực tiếp đến trang trại.

Nhìn từ những thành công của De Heus có thể khẳng định được hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào chăn nuôi. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi phải có sự thích ứng lớn về hạ tầng và nhân lực để khai thác tối đa hiệu quả. Được biết, để làm nên một cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy nông nghiệp, De Heus đã phải nỗ lực rất lớn để đưa hệ thống trang trại hoạt động theo một quy chuẩn thống nhất, chuồng trại khép kín và tất cả đều được kiểm soát bằng công nghệ hiện đại. Điển hình, với hệ thống Silo và máng ăn tự động giúp cho người chăn nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cụ thể, người trực tiếp chăn nuôi sẽ giảm được khoảng 30% chi phí vận chuyển, giảm chi phí công nhân lên đến 30%, hạn chế thất thoát 5% và tiết kiệm được một khoảng không nhỏ về chi phí bao bì... Quan trọng hơn, hệ thống trang trại của De Heus được tổ chức vận hành theo hệ thống Silo và máng ăn tự động còn là giải pháp để bảo vệ môi trường sống của vật nuôi và khu vực lân cận trang trại!

Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều được ông Lê Thành Ánh - Giám đốc kinh doanh của De Heus kiểm soát, vận hành bằng smartphone.

Với việc ứng dụng công nghệ phần mềm vào quản lý trang trại giúp cho người chăn nuôi biết được thực trạng trang trại của mình như thế nào? Chẳng hạn về sức khỏe vật nuôi, khẩu phần ăn, thời gian nuôi, thời gian sinh sản… của từng cá thể. Mặc khác, phần mềm còn giúp cho chủ trang trại quản lý về các loại chi phí đầu vào, và tính ra được hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, nếu có một trong những chỉ tiêu có vấn đề xấu thì phần mềm sẽ cảnh báo ngay cho chủ trang trại và nhóm kỹ thuật của De Heus. Từ đó nhóm kỹ thuật của Công ty De Heus sẽ phân tích và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời cho các chủ trang trại…

Với mong muốn và quyết tâm đưa sản phẩm thịt heo, thịt gà an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng, hiện toàn thể ban lãnh đạo Công ty De Heus đang nỗ lực tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà. Theo đó, sắp tới phần mềm này sẽ được kết nối với phần mềm quản lý trang trại để tạo thành một chuỗi kiểm soát từ heo con khi mới sinh ra đến từng miếng thịt sau khi giết mổ. Nghĩa là khi người tiêu dùng chọn mua một miếng thịt heo sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến miếng thịt đó: Vị trí miếng thịt được lấy từ bộ phận nào trên cơ thể vật nuôi, nuôi ở trang trại nào, quy trình chăn nuôi ra làm sao, vận chuyển thế nào, giết mổ ở đâu…? Tất cả các thông tin này sẽ được thể hiện qua QR Code được ứng dụng phổ biến trên các dòng điện thoại Smartphone hiện nay.

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/de-hues-trong-cuoc-cach-mang-thay-doi-tu-duy-nong-nghiep-43662