Đế hệ thi và phiên hệ thi trong dòng Nguyễn Phúc

Trên Báo GD&TĐ số 168 năm 2019, mục này đã ghi nhận rằng từ thời chúa Tiên / Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) dựng cơ nghiệp ở phương Nam, truyền ngôi cho con là Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635)

Mộ Kỳ Ngoại hầu Cường Để (1882 - 1951) tại phường An Tây, TP Huế. Ảnh: Phanxipăng

Mộ Kỳ Ngoại hầu Cường Để (1882 - 1951) tại phường An Tây, TP Huế. Ảnh: Phanxipăng

Trở thành chúa Sãi vào năm Quý Sửu 1613, cộng đồng cùng huyết thống này ghép chữ Phúc vào họ Nguyễn, tạo nên dòng Nguyễn Phúc / Phước, ghi chữ Hán 阮福.

Hoàng đế Thánh Tổ Nhân / vua Minh Mạng / Nguyễn Phúc Kiểu (1791 - 1841) bố trí chặt chẽ việc tổ chức nội tộc, phân định cách xưng hô và đặt tên nhằm phân biệt thế thứ, đồng thời phân biệt nhánh nọ với nhánh kia.

Hậu duệ các chúa là tiền hệ. Người nam thuộc tiền hệ mang cụm từ Tôn Thất hoặc Nguyễn Phúc / Phước trước tên.

Hậu duệ các vua là chính / chánh hệ, chia thành:

* Con cháu vua Gia Long là phiên hệ.

* Con cháu vua Minh Mạng là đế hệ.

Phiên hệ thi

Người Nam thuộc phiên hệ thì Tôn Thất hoặc Nguyễn Phúc / Phước, kế đó tùy phòng mà lần lượt đặt chữ lót trước tên theo 10 bài “phiên hệ thi” được phiên âm dưới đây, ghi theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả” do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995). Vì sao 10 bài? Bởi vua Gia Long có 13 con trai, 2 mất sớm, còn 11. Số phòng chỉ thứ tự các hoàng nam, anh trước, em sau.

Phòng 1: Anh Duệ

Mỹ Lệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.

Anh Duệ là hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780 - 1801) mở ra phòng này, hậu duệ theo bài thơ vừa nêu để đặt chữ lót lần lượt, ví dụ cụ thể:

1. Con của Nguyễn Phúc Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường.

2. Con của Nguyễn Phúc Mỹ Đường là Nguyễn Phúc Lệ Chung.

3. Con của Nguyễn Phúc Lệ Chung là Nguyễn Phúc Tăng Du.

4. Con của Nguyễn Phúc Tăng Du là Nguyễn Phúc Cường Để (Kỳ Ngoại hầu).

5. Con của Nguyễn Phúc Cường Để là Nguyễn Phúc Tráng Cử.

6. Con của Nguyễn Phúc Tráng Cử là Nguyễn Phúc Liên Thành.

7. Con của Nguyễn Phúc Liên Thành là Nguyễn Phúc Huy Tuấn.

Phòng 5: Kiến An

Lương Cẩn An Hòa Thuật

Du Hành Suất Nghĩa Phương

Dưỡng Di Tương Thức Hảo

Cao Túc Thế Vi Tường

Về sau, do phạm húy, Cẩn chuyển thành Kiến, An chuyển thành Ninh.

Phòng 6: Định Viễn

Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha

Nghiễm Cách Do Trung Đạt

Liên Trung Tập Cát Đa

Phòng 7: Diên Khánh

Diên Hội Phong Hanh Hợp

Nguyên Phùng Thái Lãng Nghi

Hậu Lưu Thành Tú Diệu

Diễn Khánh Thích Phương Huy

Về sau, do phạm húy, Nguyên chuyển thành Trọng, Thái chuyển thành Tuấn.

Phòng 8: Điện Bàn

Tín Điện Tư Duy Chính

Thành Tồn Lợi Kiến Trinh

Túc Cung Thừa Hữu Nghị

Vinh Hiển Tập Khanh Danh

Về sau, do phạm húy, Kiến chuyển thành Thỏa.

Phòng 9: Thiệu Hóa

Thiện Thiệu Thuần Tuần Lý

Văn Tri Tại Mẫn Cầu

Ngưng Lân Tài Chí Lạc

Địch Đạo Duẫn Phu Hưu

Về sau, do phạm húy, Thuần chuyển thành Kỳ, Cầu chuyển thành Du.

Phòng 10: Quảng Uy

Phụng Phù Huy Khải Quảng

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ

Điển Học Kỳ Gia Chí

Đôn Di Khắc Tự Trì

Phòng 11: Thường Tín

Thường Hổ Tuân Gia Huấn

Lâm Túy Trang Thạnh Cung

Thận Tu Di Tấn Đức

Thụ Ích Mậu Tân Công

Về sau, do phạm húy, Hổ chuyển thành Cát.

Phòng 12: An Khánh

Khâm Hoa Xưng Ý Phạm

Nhã Chính Thủy Hoằng Qui

Khởi Để Đằng Cần Dự

Quyến Ninh Công Tập Hi

Về sau, do phạm húy, Hoa chuyển thành Tùng / Tòng.

Phòng 13: Từ Sơn

Từ Thế Dương Quỳnh Cẩm

Phu Văn Ái Diệu Hoàng

Bách Chi Giai Phụ Dực

Vạn Diệp Diệu Khuôn Tương

Về sau, do phạm húy, Hoàng chuyển thành Dương, Giai chuyển thành Quân.

Đế hệ thi

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thụy Quốc Gia Xương

Về sau, do phạm húy, Hồng chuyển thành Hường, Thụy chuyển thành Thoại.

Ví dụ cụ thể:

1. Con của Nguyễn Phúc Kiểu tức vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Tông tức vua Thiệu Trị.

2. Con của Nguyễn Phúc Miên Tông là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức vua Tự Đức.

3. Con nuôi của Nguyễn Phúc Hồng Nhậm là Nguyễn Phúc Ưng Chân tức vua Dục Đức.

4. Con của Nguyễn Phúc Ưng Chân là Nguyễn Phúc Bửu Lân tức vua Thành Thái.

5. Con của Nguyễn Phúc Bửu Lân là Nguyễn Phúc Vĩnh Giu.

6. Con của Nguyễn Phúc Vĩnh Giu là Nguyễn Phúc Bảo Bội.

“Đế hệ thi” cùng 10 bài “phiên hệ thi” do Khê Đình hầu Đinh Hồng Phiên biên soạn vào năm 1825 theo lệnh vua Minh Mạng. Những ai thông thạo và thuộc 11 bài thơ kia thì dễ dàng biết thế thứ từng cá nhân khi nghe hoặc đọc tên cùng chữ lót.

Lắm trường hợp giấy tờ tùy thân chỉ ghi chữ lót và tên, không ghi Nguyễn Phúc / Phước, khiến những ai chưa rõ ắt thắc mắc: Cớ sao cha họ Cường, con họ Tráng, cháu nội họ Liên? Lý do nào mà cha họ Bửu, con họ Vĩnh, cháu nội họ Bảo?

Lại có trường hợp không giữ trọn dòng họ Nguyễn Phúc trên giấy tờ tùy thân, mà khai họ Nguyễn chẳng kèm chữ lót hoặc lót những chữ khác chẳng theo quy định nội tộc truyền thống.

Ngôn ngữ học có ngành danh xưng học, gọn hóa thành danh học, bao gồm 3 bộ phận chính là địa danh học, nhân danh học, hiệu danh học. Về dòng họ Nguyễn Phúc, sách “Nhân danh học Việt Nam” do PGS.TS Lê Trung Hoa biên soạn (NXB Trẻ, 2013) mới nêu “đế hệ thi” rất sơ lược mà chưa khảo sát “phiên hệ thi” thì còn thiếu sót đáng tiếc.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-he-thi-va-phien-he-thi-trong-dong-nguyen-phuc-a5IaLVhGR.html