Để hàng Việt vào được thị trường Nhật Bản

Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn đối với nhiều loại hàng hóa của Việt Nam. Tại tọa đàm với chủ đề: 'Bán hàng vào thị trường Nhật Bản' tổ chức ngày 12-12 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm tìm hiểu thị trường Nhật Bản...

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam (DN phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống của AEON) cho biết, doanh số hằng năm của Tập đoàn Aeon là hơn 72,6 tỷ USD; khách hàng tới hệ thống Aeon 1,2 tỷ lượt/năm và Aeon có hệ thống 21.113 cửa hàng.

Tại Nhật Bản, Aeon là hệ thống bán lẻ đứng ở vị trí hàng đầu. Nhật Bản là một trong những nước có chỉ số tiêu thụ hàng hóa cao nhất. Do đó, có rất nhiều nước muốn bán sản phẩm tốt vào thị trường Nhật Bản. Chính vì vậy, các DN khi đưa hàng vào thị trường này phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn...

Nói về sản phẩm của Việt Nam và thị trường Nhật, ông Yuichiro Shiotani dẫn chứng từ quả xoài: “Tôi rất thích xoài cát chu Việt Nam. Khi ở Việt Nam, tôi thường xuyên mua loại xoài này. Khi trở về Nhật, thì tôi thấy ở Nhật có một loại xoài đỏ cao cấp có giá bán khá cao, nhưng gần đây Mexico cũng cung cấp loại xoài tương tự nhưng giá rẻ hơn. NTD Nhật rất thẳng thắn, không phải cứ là người Nhật thì sử dụng sản phẩm của Nhật, mà sản phẩm nào chất lượng, giá rẻ hơn thì họ mua”.

Chất lượng không ổn định là một trong những yếu tố quan trọng khiến nông sản Việt khó vào thị trường Nhật Bản.

Vậy xoài cát chu của Việt Nam có hấp dẫn với thị trường Nhật? Theo ông Yuichiro Shiotani: Vào tháng 10-2018, Aeon đã xuất khẩu xoài của Việt Nam qua Nhật. Về độ ngọt thì xoài Việt Nam tương tự xoài của Thái Lan, Philippines, nhưng đáng tiếc là giá xoài Việt Nam cao hơn, bằng giá xoài đỏ của Mexico. Trong khi đó độ ngọt lại không ổn định.

“Tôi mua xoài có quả rất ngọt, lần sau mua thì không ngọt nữa nhưng giá thì vẫn như vậy. Tôi thấy hơi khó chịu về điều này. Từ thực tế đó, tôi thấy rằng đối với nông sản của Việt Nam, điều rất quan trọng là cần phải hạn chế sự không đồng đều về chất lượng. Khi tôi trao đổi về trái xoài Việt Nam, người nông dân Nhật cho biết có thể khống chế độ đường từ 20 – 22, mức độ đường của trái xoài ổn định thì khi bán ở thị trường Nhật, NTD Nhật sẽ chọn”, ông Yuichiro Shiotani nói.

Ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fosllea, chia sẻ Công ty Fosllea xúc tiến đưa nhiều công ty Viêt Nam xuất khẩu hàng sang Nhật, như bánh kẹo Bibica, cơm dừa Bến Tre,...

“Muốn xuất khẩu sang thị trường này, đòi hỏi DN phải kiên nhẫn, có thể từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể xuất khẩu được hàng. Vì bên Nhật có những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, giá cả”, ông Việt nói.

Từ câu chuyện Bibica, ông Việt cho biết, Bibica với hơn 90% thị phần trong nước, xuất khẩu còn ít. Trong quá trình làm việc với Nhật, đàm phán về giá cả, Nhật lấy mẫu về kiểm tra, đạt yêu cầu. Lô hàng thứ nhất xuất khẩu sang Nhật thành công, đến lô thứ hai họ cũng lấy mẫu kiểm tra 2 lần đạt, nhưng lần xuất khẩu này trùng vào dịp Trung thu, Bibica tập trung sản xuất bánh Trung thu, nhập khẩu nguồn dầu từ thị trường khác, tỷ lệ sai lệnh rất nhỏ so với kết quả kiểm tra trước đó, lô hàng bị trả về.

“Đối tác Nhật quan tâm tới hệ thống sản xuất, quản lý, đảm bảo đóng hàng chuẩn, đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm. Đối tác Nhật sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ nhưng quan trọng họ phải nhìn thấy được ý chí và quyết tâm của lãnh đạo DN muốn làm, làm tới cùng và làm tốt”, đại diện một DN tư vấn cho biết. Theo đó, DN muốn xuất khẩu đi Nhật thì cần xây dựng hệ thống tốt với quy trình, quy chuẩn rõ ràng và có ghi chép những thông tin cụ thể để lưu lại.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho rằng, DN không chịu ghi chép, mặc dù các tiêu chuẩn đưa ra đều yêu cầu phải ghi chép rõ ràng nhưng nhiều DN cũng thực hiện nhưng chỉ để đối phó.

“Sự khác nhau giữa DN Nhật và DN Việt Nam là nhiều DN Việt Nam muốn đi nhanh, không coi trọng xây dựng văn hóa, niềm tin, năng lực vững chắc. Như câu chuyện trái xoài không đồng nhất chất lượng, DN xuất khẩu không nên chỉ là người mua, đứng ngoài mà phải sát cánh cùng nông dân, tư vấn, hỗ trợ họ để cải thiện đất, phân bón, để đảm bảo chất lượng trái xoài đồng nhất. Điều quan trọng là phải xây dựng được hệ sinh thái”, bà Minh cho biết.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/de-hang-viet-vao-duoc-thi-truong-nhat-ban-524440/