Để hàng nghìn trẻ về Hà Nội xét nghiệm sán lợn là 1 cuộc khủng hoảng

Chiều 21.3, Bộ Y tế có công văn khẩn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán dây lợn. PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TƯ - về vấn đề này.

 GS Nguyễn Anh Trí.

GS Nguyễn Anh Trí.

Chỉ định xét nghiệm ELISA là chưa phù hợp

Ông đánh giá như thế nào về vụ việc hàng trăm phụ huynh đưa con xuống Hà Nội làm xét nghiệm sán dây lợn vừa qua?

- Dưới góc độ một người làm khoa học, tôi cho rằng để cho hàng nghìn người phải mang con ùn ùn kéo về Hà Nội để làm xét nghiệm là 1 cuộc “khủng hoảng” nhiều mặt: Về nỗi lo lắng, về truyền thông, về chuyên môn, về kinh tế và về tinh thần trách nhiệm. Theo tôi, lúc này chúng ta rất cần bình tĩnh để điều chỉnh sự việc và cả để rút kinh nghiệm.

Xin ông cho biết những cách thăm khám và làm các xét nghiệm bệnh sán dây lợn?

- Có nhiều kỹ thuật và sử dụng kỹ thuật nào, thăm dò nào là tùy thuộc vào mục đích. Cụ thể: Với mục đích chẩn đoán người bị (đang có) sán dây lợn trong ruột thì cần làm xét nghiệm soi phân để tìm đốt sán và trứng sán dây lợn, và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để xem tỷ lệ bạch cầu ưa axit (khi trên 7% là có ý nghĩa chẩn đoán).

Với mục đích phát hiện người có bị nhiễm ấu trùng và trứng sán dây lợn (trong quá khứ hoặc hiện tại) thì nên làm xét nghiệm ELISA với lgM (sau nhiễm khoảng 1 tuần đến 3 tuần), hoặc IgG (sau nhiễm khoảng 4 tuần và có thể tồn tại khá dài);

Dù với mục đích gì, trước hết cũng phải được các bác sỹ lâm sàng thăm khám rồi chỉ định các xét nghiệm cho đúng và cho hiệu quả.

Trong vụ việc nghi ăn phải thực phẩm là thịt lợn gạo ở trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), chỉ định xét nghiệm ELISA - để phát hiện ra các IgG/IgM có cần thiết không? Và nếu không thì nên làm xét nghiệm nào, thưa ông?

- Như đã phân tích ở trên, trong vụ nghi nhiễm sán từ thịt lợn gạo tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) vừa qua, việc làm xét nghiệm ELISA là chưa phù hợp. Xét nghiệm soi phân và tổng phân tích tế bào máu là phù hợp hơn, dễ làm và rẻ hơn rất nhiều.

Theo ông, đối với các cháu từng ăn phải thịt lợn gạo, phải giải quyết như thế nào?

- Trước hết phải khẳng định, việc đưa thực phẩm bẩn mà cụ thể là thịt lợn gạo vào trường học để chế biến cho các cháu ăn là câu chuyện hết sức đáng lên án. Phải kiểm tra lại, phải kiểm điểm thật nghiêm túc và nếu đúng thì phải xử lý thật nghiêm khắc theo pháp luật.

Còn phụ huynh các cháu phải hết sức bình tĩnh để theo dõi trong vòng một vài tuần. Chỉ khi ăn phải thịt lợn gạo còn sống (như ăn gỏi) hoặc nấu chưa chín mới bị nhiễm sán dây lợn. Và sán mới tồn tại trong ruột, nên chỉ cần xét nghiệm soi phân và tổng phân tích tế bào máu là đủ.

Khi đủ bằng chứng có sán dây lợn trong đường tiêu hóa, cần tiến hành tẩy sán bằng phác đồ đã được Bộ Y tế hướng dẫn rất đơn giản, hiệu quả, rẻ và được bảo hiểm thanh toán.

Vậy, các trường hợp dương tính khi làm xét nghiệm ELISA vừa qua sẽ xử lý thế nào?

- Trường hợp đó cần được theo dõi trên lâm sàng về tình trạng ấu trùng sống trong cơ thể như ở cơ, ở đáy mắt hoặc ở não,… bằng những theo dõi chuyên khoa và làm những xét nghiệm thăm dò chuyên khoa (cơ xương khớp, mắt, thần kinh). Nên theo dõi từ 1 đến 3 tháng, có thể làm lại xét nghiệm lại ELISA nếu thấy cần thiết. Nếu có đủ bằng chứng là bệnh nhân có ấu trùng sán dây lợn, các cháu cần được tiến hành tẩy ấu trùng, cũng bằng phác đồ đã được Bộ Y tế hướng dẫn với thuốc dễ kiếm, rẻ và để đạt hiệu quả thì phải uống khoảng 1 tuần.

Bộ Y tế cần vào cuộc kịp thời hơn

Bài học gì rút ra từ "khủng hoảng" này, thưa ông?

- Theo tôi có những bài học rút ra và những việc cần làm như sau: Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên “tự chỉ định” các xét nghiệm, cũng như tự cho các con uống thuốc không theo toa của bác sỹ.

Cán bộ y tế, nhất là bác sỹ phải nắm chắc kiến thức chuyên môn để tư vấn cho nhân dân và chỉ định các thăm khám, xét nghiệm hợp lý, đúng và tiết kiệm cho nhân dân.

Bộ Y tế cần thống nhất hành động, phải cử người có trách nhiệm, có trình độ, có kiến thức để giải thích cho nhân dân một cách khoa học, đúng đắn, dễ hiểu và kịp thời.

Tôi cho rằng, đã đến lúc Bộ Y tế cần có cuộc điều tra khảo sát lớn trên diện rộng ở nhiều khu vực, nhiều đối tượng, một cách thật khoa học và nghiêm túc để tìm ra tỷ lệ nhiễm sán lợn của các vùng miền ở Việt Nam.

Phải quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc về vệ sinh an toàn thực phẩm, không được phép để thực phẩm bẩn vào bếp ăn của nhân dân, đặc biệt đối với các cháu nhỏ.

Hương Giang (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/de-hang-nghin-tre-ve-ha-noi-xet-nghiem-san-lon-la-1-cuoc-khung-hoang-663951.ldo