Để Hà Giang tự rà soát điểm thi cao bất thường: Liệu có khách quan?

Nhiều chuyên gia lo ngại việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu tỉnh Hà Giang tự kiểm tra, xác minh điểm thi cao bất thường của tỉnh mình, liệu có khách quan? Bởi rất khó xảy ra việc 'tự mình khẳng định mình làm sai', hay lại ra 'đúng quy trình'.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và các tỉnh miền núi phía bắc diễn ra trong hoàn cảnh mưa lũ. Cả thí sinh và cán bộ tổ chức đều phải vất vả để hoàn thành kỳ thi. Ảnh: Báo Công an nhân dân.

Khó phát hiện gian lận trong thi trắc nghiệm

Những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang đều rơi vào những môn thi trắc nghiệm, chủ yếu là Toán và Vật lý. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có kẽ hở nào trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, để xảy ra tiêu cực hay không?

Về điều này, ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội thẳng thắn, để tìm ra sự gian lận trong chấm thi trắc nghiệm là cực kỳ khó.

Vì với bài thi trắc nghiệm, nếu có sự thông đồng, thì có thể lấy bài thi ra, rồi tẩy chì và khoanh đáp án đúng. Nếu điều này xảy ra sẽ rất khó để phát hiện. Trong khi với bài thi tự luận, chỉ cần nhìn chữ, hoặc giám định nét chữ là phát hiện được ngay.

Theo quy định của Bộ GDĐT, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy, được bảo quản nghiêm ngặt từ lúc thí sinh nộp bài thi đến lúc chấm thi.

Bộ phận giám sát chấm bài trắc nghiệm gồm cán bộ giám sát của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi và công an. Trước và sau khi quét đều phải lập biên bản niêm phong.

Thí sinh tô đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút chì và có thể tẩy đi để chọn đáp án khác.

Bộ GDĐT cũng quy định rõ, các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.

Tất cả những quy trình này đều thực hiện với sự giám sát của nhiều bên, từ thanh tra, đến công an.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) với quy trình trên, việc gian lận, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự thông đồng giữa các bên, tức là "sai phạm có tổ chức".

Cần công an vào cuộc

Hiện nay Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu tỉnh Hà Giang rà soát những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi của tỉnh và gửi báo cáo về Bộ. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu để Hà Giang tự rà soát sẽ không khách quan, minh bạch.

Về điều này, trong một chương trình trên VTV mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước hết, sự việc xảy ra tại địa phương thì địa phương phải có trách nhiệm giải quyết. Nếu địa phương giải quyết không thỏa đáng, có nhiều ý kiến khác thì Bộ GDĐT sẽ tổ chức thành lập các đoàn về để kiểm tra, xác minh.

Chia sẻ với Lao Động, TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, trước tiên Hà Giang sẽ tự rà soát chính bất thường về điểm thi xảy ra ở địa phương mình, vì hiện nay kỳ thi đã được giao cho cấp địa phương tổ chức.

“Đã có ý kiến lo ngại nếu để Hà Giang tự rà soát thì rất có thể kết quả sẽ là tất cả đều đúng quy trình. Tôi nghĩ tốt nhất nên thành thật, làm kiên quyết và không xuê xoa. Vì nó liên quan đến quyền lợi, sự công bằng cho hàng triệu thí sinh trên cả nước.

Sau khi địa phương rà soát, nếu vẫn không phát hiện bất thường, thì thanh tra Bộ hay thanh tra Chính phủ, công an cần vào cuộc để làm sáng tỏ nghi vấn.

Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Không nên vì thành tích mà đánh đổi niềm tin của xã hội về một kỳ thi cấp quốc gia”- TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-ha-giang-tu-ra-soat-diem-thi-cao-bat-thuong-lieu-co-khach-quan-618572.ldo