Để giữ mục tiêu tăng trưởng: Siết chặt kỷ luật hành chính

Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng dựa trên số liệu thực hiện 2 tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính tốc độ tăng GDP quý I là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn kịch bản.

Để giữ mục tiêu tăng trưởng của năm "buets phá": Siết chặt kỷ luật hành chính

Điều đó cho thấy chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao (tăng trưởng GDP từ 6,6 – 6,8%).

Nhằm thực hiện ở mức cao nhất chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao, ngày 18/3 vừa qua, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với một số bộ ngành, cơ quan liên quan để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị, những rào cản từ bên ngoài ảnh hưởng đến tăng trưởng được chỉ rõ: Kinh tế và thương mại toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp; sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thông qua các hàng rào thuế quan; tình trạng thắt lưng buộc bụng về tài chính của nhiều quốc gia; những bất ổn liên quan việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại…

Những khó khăn trong nội tại nền kinh tế cũng được nêu cụ thể: sự lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; sự thay đổi chuỗi cung ứng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang; chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế chưa đạt yêu cầu.

Sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các bộ ngành, Thủ tướng cho rằng, hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng không hề đơn giản. Thủ tướng yêu cầu: Trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Có một số nghị định cần làm ngay, như nghị định về quy hoạch hay đầu tư xây dựng. “Thể chế là số một, cần rà lại, cụ thể hóa vấn đề này, có danh mục kèm theo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, cần khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đề nghị mở một số hội nghị về các vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với các “cực tăng trưởng” quan trọng này, không phải chỉ “họp để bàn, để biết”.

Sau khi giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành cụ thể, Thủ tướng yêu cầu: Cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn nữa. Các bộ đều phải trình chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND phải có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm”, Thủ tướng nói. Các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, loại bỏ các rào cản gây khó dễ, chậm trễ, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mọi nguồn lực cần được tập trung thu hút cho phát triển, tăng trưởng.

Sau khi thông tin về kỳ họp được các cơ quan báo chí đăng tải, nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp cho rằng: Thủ tướng chỉ rất trúng những điểm yếu cản trở sự phát triển của đất nước. Đó là, sự chưa đồng bộ trong phối hợp hành động giữa các bộ ngành, địa phương; sự trì trệ của một số sở ban ngành, một số cục, vụ; sự sợ trách nhiệm và thiếu trách nhiệm của một số cán bộ các cấp.

Những yêu cầu của Thủ tướng với các bộ ngành, địa phương là rất kịp thời vì doanh nghiệp không thể mạnh nếu không có cơ chế chính sách phù hợp. Sản xuất không thể phát triển khi rào cản, sự chậm chễ, sợ và thiếu trách nhiệm còn tồn tại.

Các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp và người dân cho rằng, để tạo ra thay đổi “bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải siết chặt kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Làm nghiêm việc này chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ được nhiều rào cản, qua đó khơi dậy được nội lực và khát vọng thúc đẩy tăng trưởng.

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-giu-muc-tieu-tang-truong-siet-chat-ky-luat-hanh-chinh-post26489.html