Để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (BVH-TT&DL) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn, tuyên truyền về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt sau 3 năm Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL có hiệu lực.

Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia đánh giá, vấn nạn hiện vật ngoại lai trong di tích, công sở trên cả nước đã được cải thiện rõ rệt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại và phải có hướng đi đúng đắn để dẹp bỏ.

Triển lãm linh vật thuần Việt là một trong những cách chung tay dẹp bỏ linh vật ngoại lai

Cách đây 3 năm, cuộc “đánh đuổi” linh vật ngoại lai ra khỏi không gian di tích được tiến hành trên khắp cả nước, trong đó phải kể đến công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của BVH-TT&DL khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trên cả nước không trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật - đặc biệt sư tử đá ngoại lai với tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Trải qua thời gian, việc “đuổi” linh vật ngoại lai ra khỏi các khu di tích, công sở... ở nhiều địa phương nước ta đã có những biến chuyển tích cực. Tại Hội nghị Tập huấn, tuyên truyền về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt sau 3 năm Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, đại diện BVH-TT&DL cho biết làn sóng sản xuất, cung tiến, bày đặt đồ thờ cúng “bất quy tắc” gần như bị xóa bỏ. Các làng đá, cơ sở sản xuất linh vật dáng dấp ngoại lai lớn trên cả nước đồng loạt chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt.

Theo bà Trần Thị Thu Đông, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, sau 3 năm thực hiện, đến nay công văn số 2662 đã được sự đồng thuận cao trong xã hội, sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa, ý thức cộng đồng trong việc sử dụng sản phẩm văn hóa được đẩy mạnh.

Nhiều di tích, công sở, nhà dân đã tự động tự di dời linh vật, biểu tượng không phù hợp. Việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật đã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học.

Những vấn đề liên quan tới kiến thức về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế đã được toàn xã hội quan tâm. Đây là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến sâu sắc trong việc không sử dụng linh vật, biểu tượng ngoại lai không phù hợp với văn hóa người Việt, trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương còn để tình trạng này diễn ra. TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán nôm chia sẻ, tình trạng sản xuất hoành phi, câu đối tự do, không có kiểm soát nội dung, thông tin diễn ra nhiều năm nay; hay câu chuyện đôi lọ lục bình với đôi câu đối có nghĩa dung tục trong khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh).

Trong khi đó, thời gian qua, dư luận từng dậy sóng với việc chùa Sổ (Hà Nội) – di tích lịch sử cấp quốc gia xuất hiện một bức tượng Phật bằng đá và đôi sư tử đá. Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đôi sư tử đá đặt tại chùa Sổ mà dư luận phản ánh chính là sư tử Trung Quốc, thời nhà Minh, đặt ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh.

Cũng cách đây chưa lâu, một số người dân tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), phản ánh trước cửa một công sở của thành phố này có hai linh vật ngoại lai hình sư tử đá. Mỗi con sư tử đá nặng khoảng một tấn, cao hơn một mét. Theo đa số ý kiến, đôi sư tử đá đặt trước cửa công sở này là linh vật thường được người Trung Quốc dùng để canh mộ, hoàn toàn không phải linh vật thuần Việt và không phù hợp với văn hóa nước ta.

Trước những lo ngại tái diễn tình trạng linh vật, biểu tượng ngoại lai xuất hiện ở các khu di tích lịch sử, công sở... nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải có những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn quyết liệt hơn nữa. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, định hướng để quảng bá công tác phục dựng, chế tác linh vật truyền thống; đồng thời tiếp tục sáng tạo ra những linh vật văn hóa Việt mang sắc thái hiện đại để ăn nhập với kiến trúc hôm nay.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) cho rằng, bên cạnh hình thức tuyên truyền thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xuất bản ấn phẩm giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí, biểu tượng truyền thống của Việt Nam dưới dạng sách cẩm nang hình ảnh, bản vẽ giới thiệu tới người dân.

Ngoài ra, chúng ta cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo khoa học về linh vật thuần Việt để cung cấp những kiến thức cơ bản, chuyên sâu cho người dân, từ đó người dân có góc nhìn đầy đủ, chính xác về những linh vật, biểu tượng thuần Việt và cùng chung tay “đuổi” linh vật ngoại lai ra khỏi các khu di tích, công sở...

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-giu-gin-ban-sac-van-hoa-viet-70284.html