Đề Giáo dục công dân: Tăng số câu hỏi vận dụng, phổ điểm sẽ không đẹp như đợt 1

Theo nhận xét của giáo viên, đề thi môn Giáo dục công dân kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tăng số lượng câu hỏi vận dụng cao, dự kiến phổ điểm giảm so với đợt 1.

Giáo viên của hệ thống HOCMAI đánh giá đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi. Có thể nói, Giáo dục công dân là môn có phổ điểm cao, đẹp nhất trong các môn thi đợt 1, số lượng điểm 10 cũng ở mức cao nhất. Với đề thi đợt 2, đề có sự tăng lên ở câu hỏi vận dụng cao, dự kiến đỉnh của phổ điểm sẽ giảm nhẹ so với phổ đợt 1.

Về nội dung đề thi, câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc lớp 12, trong đó 55% thuộc kiến thức học kì I và 45% câu hỏi thuộc học kì 2. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông tin mà Bộ GD&ĐT đã công bố.

Về độ khó của đề 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi.

Phần kiến thức dưới 7 điểm có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2 và đề thi chính thức lần 1, các câu hỏi vẫn xoay quanh những chuyên đề và dạng bài quen thuộc, đảm bảo cho mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)

Đề vừa sức, công bằng

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) nhận định, đề thi môn Giáo dục công dân đợt 2 thuộc tổ hợp bài thi Khoa học xã hội đảm bảo vừa sức và công bằng đối với học sinh, đồng thời phù hợp với tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tình hình hiện nay.

Cấu trúc, nội dung và mức độ dễ, khó của đề tương đương với đề thi đợt 1, đảm bảo các mức độ phù hợp với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm trên 70%. Có 4 câu ở mức độ vận dụng cao (thuộc nội dung chương trình học kì I của lớp 12) để phân hóa học sinh.

Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, ma trận đề rất rõ ràng, với 40 câu hỏi, trong đó 10 câu hỏi nhận biết, 10 câu hỏi vận dụng, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.

Nhìn chung, kiến thức chủ yếu nằm trong nội dung chương trình sách giáo khoa và nội dung đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT; chủ yếu trong chương trình lớp 12 (tập trung chủ yếu vào bài 2, 4, 6, 7), và 10% kiến thức là của lớp 11 (học kì I). Chương trình lớp 11 chỉ có 4 câu hỏi, tập trung kiến thức từ bài 1 đến bài 5, chủ yếu là câu hỏi nhận biết, không đánh đố học sinh, phù hợp điều kiện ôn tập của học trò.

Theo cô Vân Anh, đề thi môn Giáo dục công dân đợt 2 bám sát đề tham khảo của Bộ và chương trình lớp 12, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, nâng cao năng lực và hình thành nhân cách của học sinh.

Dự báo, phổ điểm môn Giáo dục công dân đợt 2 sẽ tương đương với đợt 1. Vì vậy, các em học sinh làm bài tốt có thể yên tâm sử dụng điểm thi môn Giáo dục công dân để xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng có môn này trong tổ hợp xét tuyển.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-giao-duc-cong-dan-tang-so-cau-hoi-van-dung-pho-diem-se-khong-dep-nhu-dot-1-ar567924.html