ĐỂ GIÁ NHÀ KHÔNG CÒN LÀ BONG BÓNG

Em họ tôi ra trường năm 2010, làm việc cho một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội với mức lương tháng khởi điểm là 8 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lương công chức, viên chức. Đi làm được vài năm, em tôi cưới vợ, sinh con. Với khoản tích lũy khoảng 400 triệu đồng, vợ chồng em tôi muốn mua một căn nhà ở xã hội, nhưng khoản trả góp tính ra vẫn quá khả năng chi trả mỗi tháng. Bởi vậy, gia đình em tôi đành tiếp tục ở nhà thuê.

Nhà ở xã hội thuộc phân khúc nhà ở giá rẻ, nhưng rất nhiều người có thu nhập cao hơn mức trung bình của xã hội cũng không đủ khả năng mua, nên nhà ở thương mại càng là ước mơ xa vời với đa số người lao động, nhất là với công chức, viên chức có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với lao động ở khu vực doanh nghiệp. Một phép tính đơn giản: Thu nhập bình quân đầu người của nước ta tính theo GDP là khoảng 64 triệu đồng/người/năm. Tại Hà Nội, một căn nhà ở xã hội 64m2 có giá khoảng 970 triệu đồng. Muốn mua được căn nhà này, một người phải dành toàn bộ thu nhập 64 triệu đồng mỗi năm trong 15 năm! Nếu muốn mua một căn nhà ở thương mại thuộc phân khúc giá rẻ khoảng 1,5 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình sẽ phải để dành toàn bộ thu nhập trong 23 năm! Bởi vậy, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng đã phải thừa nhận: "Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân".

 Ảnh minh họa: qdnd.vn

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Người có nhu cầu thực khó mua được nhà, một phần do thị trường bất động sản của nước ta đang được vận hành thiếu lành mạnh. Doanh nghiệp phải chịu quá nhiều khoản chi phí cả chính thức và phi chính thức (người ta vẫn gọi là chi phí “bôi trơn”) dẫn tới giá thành sản phẩm nhà ở cao. Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên áp dụng nhiều chiêu trò để làm giá, thổi giá. Cùng với đó, các nhà đầu tư khác cũng tham gia đầu cơ, găm hàng, “lướt sóng”, tạo những cơn sốt ảo trên thị trường để trục lợi. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, bởi khi bong bóng bất động sản vỡ, hậu quả để lại cho nền kinh tế sẽ rất nặng nề. Bài học từ sự đóng băng của thị trường bất động sản cách đây khoảng chục năm vẫn còn nguyên giá trị.

Để giải quyết vấn đề, Bộ Xây dựng cần có giải pháp quyết liệt thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, đề xuất cắt giảm tối đa các khoản chi phí chính thức và ngăn chặn triệt để việc phát sinh những khoản chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, người dân. Đây là việc làm khó, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm, giá thành xây dựng nhà ở sẽ rất khó giảm.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản như các nước phát triển đã áp dụng. Đó là đánh thuế nhà đất ở mức rất cao với những người sở hữu nhiều hơn một nhà ở/căn hộ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho thuê nhà ở để thu thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương pháp tính giá thành xây dựng và giá bán cơ bản nhà ở/căn hộ trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, khoản lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư bán sản phẩm nhà ở ra thị trường cao hơn giá bán cơ bản, phần chênh lệch sẽ bị đánh thuế ở mức cao. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định của pháp luật liên quan để việc điều tiết thị trường bất động sản được thực hiện tốt hơn. Không thể để thị trường bất động sản bị thao túng, có lợi cho một nhóm người nhưng gây khó cho rất nhiều người thu nhập thấp, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn cho cả nền kinh tế và xã hội.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-gia-nha-khong-con-la-bong-bong-642959