Để dùng thuốc trị đái tháo đường an toàn

Tôi bị đái tháo đường, đi khám bác sĩ kê thuốc có chứa glipizide. Xin hỏi, để dùng thuốc này an toàn, tôi cần thực hiện những điều gì?

Nguyễn Thu Huệ (Hà Nội)

Glipizide là một loại thuốc chống đái tháo đường dùng đường uống, nhóm sulfonylure có tác dụng làm giảm glucose huyết ở người đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cần lưu ý:

Nguy cơ hạ đường huyết: Tất cả các sulfonylure đều có thể gây hạ đường huyết trầm trọng, đặc biệt ở người cao tuổi, người đang dùng thuốc chẹn beta, người suy yếu, người uống rượu... vì những đối tượng này rất nhạy cảm với các thuốc gây hạ glucose huyết. Vì vậy, chọn đúng người bệnh, tìm liều thích hợp và hướng dẫn sử dụng thuốc là các điều quan trọng để tránh hiện tượng hạ đường huyết.

Mất kiểm soát glucose huyết: Khi người bệnh đã có lượng đường máu ổn định nhưng bị các stress như sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn, phẫu thuật, phải ngừng ngay glipizid và thay bằng insulin (theo chỉ dẫn của bác sĩ).

Thất bại điều trị thứ phát: Hiệu quả điều trị của bất kỳ một thuốc uống hạ đường huyết nào kể cả glipizid làm giảm glucose huyết đến mức độ mong muốn, đều bị giảm sau một thời gian điều trị, có thể do bệnh nặng lên hoặc do giảm đáp ứng với thuốc. Vì vậy, khi thấy đường huyết không kiểm soát trong khi vẫn dùng thuốc đều đặn, cần thông báo cho bác sĩ biết.

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ liều lượng của bác sĩ (liều khởi đầu ở những người chưa được điều trị, sự tăng liều từ từ và liều duy trì). Người bệnh cũng không được chia sẻ liều dùng cho người khác, vì liều dùng cần được căn cứ vào sự dung nạp thuốc và đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Nếu liều lượng thích hợp không được thực hiện đúng, có thể gây hạ glucose huyết.

Thuốc có thể dùng 1 hoặc 2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng 1 lần nên uống vào buổi sáng khoảng 30 phút trước bữa ăn để giảm tối đa nồng độ glucose trong máu sau khi ăn.

Một số bất lợi có thể gặp khi dùng thuốc như: Ðau đầu; chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác đầy bụng, táo bón, nóng rát ngực; ban đỏ, mày đay, mẫn cảm ánh sáng... Nếu gặp bất lợi, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được xử lý thích hợp.

DS. Hoàng Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-dung-thuoc-tri-dai-thao-duong-an-toan-n180382.html